Đến năm 2030, TPHCM sẽ hạn chế xe máy?

TPO - Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, từ nay đến năm 2030, TPHCM phải xử lý được vấn đề kiểm soát, hạn chế xe máy nhằm tránh tình trạng ùn tắc, kẹt xe.
Đến năm 2030, TPHCM sẽ hạn chế xe máy cá nhân? Ảnh: Việt Văn.
Ngày 28/5, tại buổi gặp gỡ trí thức diễn ra ở TPHCM, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM cho rằng, thành phố đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức về an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, kẹt xe, ô nhiễm môi trường,…Đối với những vấn đề này, ông đã có bản kiến nghị 5 giải pháp gửi lên TPHCM. 
Trong đó, ông Trường yêu cầu cần tăng cường năng lực vận tải và hiệu quả của các phương tiện giao thông công cộng, phải quy hoạch và đổi mới hệ thống quản lý giao thông công cộng. 
“TPHCM cần đề ra lộ trình hợp lý và minh bạch để kiểm soát, hạn chế xe máy trên địa bàn. Từ nay đến năm 2030, TPHCM phải xử lý được vấn đề này thì mới giải quyết được vấn đề ùn tắc, kẹt xe”, ông Trường kiến nghị. 
PGS.TS Thoại Nam (trường ĐH Bách khoa TPHCM) góp ý xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Việt Văn.
Xây dựng thành phố “Smart City”
Góp ý về tiến hành cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, PGS.TS Thoại Nam (trường ĐH Bách khoa TPHCM) đã nêu lên một số thách thức mà thành phố đang đối mặt và đề nghị cần có sự chuẩn bị tốt nếu không sẽ thua trắng trên sân nhà. 
Theo ông Nam, xây dựng thành phố thông minh không chỉ là thành phố đáng sống mà còn là nơi đáng đến làm việc. Chương trình Smart City (thành phố thông minh) sẽ không hoàn thành nếu không có sự tham gia của đội ngũ trí thức. Smart City là cơ hội mở ra khả năng cạnh tranh của thành phố trong tương lai. 
Tuy nhiên, ông Nam trăn trở, chúng ta mời gọi doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng Smart City, vậy các công ty trong nước hoặc con người ở đây làm chủ công nghệ như thế nào? Hơn nữa, chúng ta đang thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp với các trường ĐH, CĐ trong xây dựng thành phố thông minh. 
“Dù hiện nay xây dựng thành phố thông minh chỉ mới trên dự tháo, đang còn bán nếu chúng ta không làm thì sẽ thua trắng ngay trên sân nhà”, ông Nam nói.
Ông Nam đề xuất, cách mạng công nghệ 4.0 và xây dựng Smart City là sự kết hợp giữa nhiều ngành với nhau. TPHCM đang thiếu một chương trình kết hợp với các trường ĐH nên không có sự tham gia của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học. 
“Tôi tha thiết mong có chương trình kết hợp chiến lược đầu tư đúng đắn, có trọng điểm để đưa đội ngũ trí thức vào cuộc”, ông Nam nhấn mạnh.