Đến đâu cũng có nhũng nhiễu

TP - “Cán bộ lãnh đạo ít tiếp xúc nhưng ở nhà vợ con đi làm thủ tục cũng “kêu” rất nhiều, rằng đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh, thậm chí ngay cả trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Ở đô thị tình trạng sách nhiễu nhiều hơn so với nông thôn”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng, sáng 26/9.
Thông thoáng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là điều ngành thuế hướng tới.

Xử lý vi phạm hành chính cũng tiêu cực

Ông Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác phòng chống tiêu cực của TPHCM trong thời gian vừa qua. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Lê Thành Công và mới nhất là vụ Phạm Công Danh và đồng phạm.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý TPHCM chưa đánh giá hết tình hình nhũng nhiễu. Các chi phí tiêu cực, “bôi trơn”, ngoài luồng, không chính thức người dân, doanh nghiệp phải chịu khi có việc phải đến cơ quan công quyền vẫn còn khá phổ biến. Mỗi năm, TPHCM phát hiện trên dưới 10 vụ tham nhũng là đã làm tốt công tác phòng ngừa nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Thành phố cần tập trung ngăn chặn, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tài chính ngân hàng, xây dựng cơ bản, quy hoạch, kiến trúc, dự án đầu tư, thu-chi ngân sách, sử dụng tài sản công; thuế; cổ phần hóa…

“Ngay như công tác xử lý vi phạm hành chính cũng có tiêu cực, nhũng nhiễu. Cán bộ yêu cầu người vi phạm cưa đôi khoản tiền phạt là không lập biên bản. Thuế cũng vậy, nhiều thứ lắm. Cái này không phải nhỏ, gây bức xúc cho dân” - ông Trương Hòa Bình nói.

Ông Bình cho rằng nông thôn ít xảy ra nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh hơn so với thành phố do đây là trung tâm kinh tế, nơi tập trung các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mang tính tập thể, có tổ chức, công khai cán bộ tham nhũng và tịch thu, sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham nhũng...

Cải tiến thủ tục chống nhũng nhiễu 

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã làm việc với UBND TPHCM về cải cách hành chính. Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trương Vĩnh Tuyến, TPHCM có 322 phường xã thị trấn đã lập Phòng tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính “một cửa”. Đăng ký kinh doanh qua mạng, trong tương lai, TPHCM sẽ thành lập các ki ốt đăng ký kinh doanh tại các phường xã và có bộ phận hướng dẫn thủ tục cho người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, khi ông còn công tác ở TPHCM, mô hình đăng ký kinh doanh qua mạng đã được triển khai đầu tiên cả nước và tại thời điểm đó đạt trên 50%. Sau này, TPHCM làm lại hệ thống và hiện nay mới đạt 30% là thấp. “Nếu làm tốt thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng thì dân không cần đến làm thủ tục, giảm chi phí, phiền hà cho người dân. Xây dựng chính quyền điện tử, tích hợp hệ thống dữ liệu dùng chung, các bộ ban ngành và người dân có thể chia sẻ thông tin… thì không cần phải ngồi tập trung một chỗ xử lý công việc, không cần xây dựng nhiều trụ sở tốn kém và sẽ chống được nạn kẹt xe, tắc đường”, ông Hà lưu ý.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đồng tình và cho rằng để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, cải cách hành chính đóng vai trò then chốt và là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố. TPHCM cũng đang xây dựng để trở thành thành phố thông minh, phấn đấu đến đầu quý I/2017 hoàn thành đề án.

“Dân số TPHCM có 8,5 triệu người nhưng bên công an vừa báo số dân đang sinh sống là 13 triệu người. Để phục vụ số dân lớn như thế bắt buộc phải xây dựng thành phố thông minh. Việc chúng tôi đang làm khẩn trương là cải cách nhanh, hiệu quả thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ công chức ngày càng tử tế với dân”, ông Phong nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý lãnh đạo TPHCM việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của một số cán bộ công chức một số nơi chưa nghiêm, chưa hết lòng hết sức làm công bộc của dân, nhũng nhiễu, hách dịch, dẫn đến trì trệ. Việc thực hiện thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn bất cập. TPHCM mới tinh giản 129 biên chế là chậm, chưa đạt. “Chi phí không chính thức đạt 4,37 điểm, đứng thứ 54/63, cho thấy doanh nghiệp đánh giá chưa tốt. Theo số liệu của VCCI, có 53,35% DN phải trả chi phí không chính thức. Nếu không cải thiện tốt, chúng ta khó thực hiện chính quyền điện tử”, Phó Thủ tướng lưu ý.