Đến bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải 5 mùi cơ thể đáng báo động này

Cơ thể bốc mùi không chỉ là dấu hiệu cảnh báo bạn phải vệ sinh thân thể sạch sẽ, mà còn là những báo động không thể bỏ qua cho tình trạng sức khoẻ của bạn.
Ảnh minh hoạ: Internet

Khi bạn vừa hoàn thành một buổi tập luyện thể thao vất vả, hay chui rúc trong bếp để cắt hành... cơ thể thường bốc ra nhiều mùi khó chịu. Trong hầu hết các trường hợp trên, mọi người thường đi tắm, sử dụng sản phẩm khử mùi hoặc đánh răng để khắc phục tình hình. Tuy nhiên, một số trường hợp khác lại không đơn giản như vậy.

Đó là bởi vì mùi cơ thể có thể thật sự nói lên nhiều điều về sức khoẻ của bạn. Theo một nghiên cứu gần đây của Thuỵ Điển, trong thực tế, một số bệnh tạo ra mùi độc đáo và dễ phân biệt, phát hiện.

Theo Men's Health, dưới đây là 5 loại mùi cơ thể phổ biến có thể báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi cũng cung cấp một vài chỉ dẫn khi cơ thể bạn bốc ra những mùi này:

1. Hơi thở có mùi ngọt: Bệnh tiểu đường

Một trong những biến chứng của tiểu đường được gọi là hiện tượng ketoacidosis (DKA). Nó xảy ra khi cơ thể bạn bị giảm lượng isulin, không chuyển hoá đường thành năng lượng cung cấp cho hoạt động cơ thể.

Vì vậy, cơ thể bắt đầu phân huỷ các axit béo để tạo ra năng lượng. Điều này tạo ra sự tích tụ của các hóa chất có tính axit được gọi là xeton trong máu gây ra mùi ngọt trong hơi thở giống mùi trái cây hoặc kẹo dẻo. Có thể bạn sẽ không tự phát hiện được, nhưng những người xung quanh bạn sẽ rất dễ nhận biết và thậm chí bác sĩ sẽ lập tức phát hiện được khi bạn đến khám.

Những ảnh hưởng của DKA có thể nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Nó có thể làm cho bạn bị nôn mửa và đi tiểu thường xuyên, làm cơ thể bị mất chất lỏng với tốc độ nguy hiểm.

DKA cũng thường xảy ra với các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường, như mệt mỏi, mờ mắt, và sụt cân không rõ nguyên do.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo, nếu bạn nhận thấy mùi ngọt trong hơi thở cùng với bất kỳ những triệu chứng trên, đặc biệt là nếu nó có kèm theo mệt mỏi, khô miệng, khó thở, đau bụng, nên lập tức đi tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

2. Hôi chân: Bệnh nấm da

Việc thường xuyên mang giày thể thao là nguyên nhân gây ra bệnh nấm chân. Hiệp hội Y khoa Mỹ Podiatric (APMA) cho rằng nếu bạn nhận thấy ngón chân bị khô, có vảy da xung quanh, đỏ tấy và nổi mụn nước, bạn có thể đã bị nấm bàn chân.

Mùi hôi chân của bạn bị gây ra bởi sự kết hợp của vi khuẩn và nấm. Chúng làm xói mòn da và màng giữa những ngón chân. Nếu bạn để bàn chân này chạm vào một phần khác của cơ thể, nấm có thể bị lây lan sang những khu vực khác như bẹn hoặc nách. Điều này cũng có khả năng những mùi hôi khó chịu khác cho các vùng đó.

Nếu đã lỡ bị nấm chân, phần màng giữa các ngón chân của bạn sẽ trở nên cực kì mềm và ẩm, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển mạnh. Điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn mô mềm ở da.

Khi gặp phải triệu chứng trên, hãy thử phun thuốc chống nấm ở chân. Nếu vấn đề vẫn tiếp tục tồn tại sau hai tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được kê đơn điều trị tốt hơn.

Quan trọng hơn hết, đừng thường xuyên mang giày thể thao hoặc hãy giữ chân bạn luôn khô thoáng bằng những sản phẩm chống ẩm.

3. Phân nặng mùi: Không dung nạp lactose

Khi ruột non không sản xuất đủ enzyme lactase nó sẽ không dung nạp được lactose, một loại đường thường trong các sản phẩm từ sữa.

Vì vậy, ruột non chuyển lactose thẳng vào đại tràng, thay vì máu. Điều này có thể gây ra đi lỏng, phân có mùi thối, đầy hơi và xì hơi cũng có mùi.

Đây là triệu chứng khá phổ biến đối với dân số thế giới. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, thực tế, ước tính khoảng 65% số người có vấn đề trong việc tiêu hóa sản phẩm từ sữa.

Những người gặp phải chứng bệnh này chỉ cần tiêu thụ 12 gram lacotse, tức khoảng 250 ml sữa hoặc kem sữa đều sẽ trải qua các triệu chứng rất khó chịu khác nhau bao gồm đau bụng, chuột rút, tiêu chảy, nôn mửa cũng như xì hơi và phân cũng có mùi khác nhau.

Khi đó, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn đầy đủ về tình trạng dung nạp lacoste của mình.

Nếu cần thiết, bạn cũng có thể uống một viên thuốc Lactaid, trong đó có chứa các enzyme lactase cho phép bạn để tiêu hóa sữa trong vòng 45 phút.

4. Nước tiểu nặng mùi: Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu có mùi khai nặng và có mùi như hóa chất.

Điều này xảy ra sau khi vi khuẩn, chủ yếu là E.coli xâm nhập vào đường niệu đạo và tiết niệu. Sau đó, chúng phát triển ở bàng quang, gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra với phụ nữ hơn so với đàn ông bởi vì niệu đạo của các chị em thường ngắn hơn. Vì thế đàn ông lại rất hay chủ quan khi biết nước tiểu có mùi.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể cảnh báo những căn bệnh nghiêm trọng hơn như sỏi thận, tiểu đường hoặc tuyến tiền liệt mở rộng, cần phải phẫu thuật để xử lý triệt để. Vì vậy hãy đến bác sĩ và xét nghiệm nước tiểu ngay khi phát hiện nước tiểu có mùi.

5. Hơi thở có mùi hôi: Bị ngưng thở khi ngủ

Nếu hơi thở của bạn có mùi như hoa quả thối, dù bạn vệ sinh răng miệng đều đặn và cẩn thận, bạn có thể đang đối mặt với nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn khiến bạn thỉnh thoảng bị dừng thở liên tục khi ngủ.

Hiện tượng này có thể làm bạn ngáy rất nhiều và buộc bạn phải thở bằng miệng suốt cả đêm. Điều này làm cho miệng bị khô,ư và đây chính là nguyên nhân gây ra hôi miệng. Căn bệnh này cũng cho phép vi khuẩn dễ dàng sinh sôi nảy nở. Với số lượng nhiều, chúng sản sinh ra khí lưu huỳnh khiến hơi thở của bạn có mùi trứng thối.

Nếu loại trừ tất cả các nguyên nhân khiến hôi miệng, nhưng hơi thở vẫn không thơm mỗi sáng thức dậy, miệng khô, ngủ ngày và ngáy, bạn hãy đi khám bác sĩ. Khả năng cao bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ.

Hiện tượng này có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim vì vậy, bạn phải điều trị càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Các bác sĩ có thể điều trị chi bạn bằng việc cung cấp một thiết bị liên tục tạo lực lên đường thở (CPAP) kèm với một mặt nạ có kích thước phù hợp với mũi và miệng của bạn nhằm giữ cho đường thở luôn mở trong khi ngủ.

Trên đây chỉ là một vài mùi cơ thể bất thường phổ biến, nếu bạn đã phát hiện mình có các triệu chứng trên, lập tức đến các bệnh viện gần nhất để kiểm tra sức khỏe.

Theo Theo SKGĐ