Đề xuất thí điểm hợp nhất nhiều cơ quan cấp tỉnh

TPO - Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau, gồm 3 Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thành 1 văn phòng; Công tác Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan…
Quảng Ninh thực hiện nhiều cải cách cũng như hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng

Mô hình hành chính – kinh tế đặc biệt

Bộ Nội vụ vừa báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016

Liên quan đến tổ chức bộ máy, giải pháp được Bộ Nội vụ đưa ra là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra theo hướng gắn quyền hạn với trách nhiệm. Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra và sơ kết, tổng kết, đúc rút mô hình.

Cùng với đó, sẽ điểu chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan nhà nước có nhiệm vụ còn giao thoa, trùng lắp về quản lý nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý. Quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó và các tiêu chí thành lập tổ chức tổng cục, cục, vụ làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để giảm đầu mối, biên chế, lãnh đạo.

Tổ chức lại các Ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành có tổ chức bộ máy chuyên trách ở Trung ương hoạt động kém hiệu quả (những Ban chỉ đạo còn hoạt động thì không bố trí riêng văn phòng và cán bộ chuyên trách mà giao cho cơ quan thường trực làm tham mưu, giúp việc).

Ngoài ra sẽ rà soát chuyển những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đảm nhận.

Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện sẽ theo hướng: Quy định khung số lượng cơ cấu tổ chức, biên chế, cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo và theo phân loại đơn vị hành chính loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III; xây dựng mô hình chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Cùng với đó, sẽ nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành

Về tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đưa phương án nghiên cứu đề xuất thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau: 3 Văn phòng (Đoàn Đại biểu quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh) thành 1 Văn phòng; Công tác thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; Văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.

Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt, hiệu quả.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp và có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện ...); khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước.

Thực hiện phân cấp về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ năm 2017, thực hiện cơ chế khoán kinh phí đối với các tổ chức hội có sử dụng biên chế. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

”Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, Nhà nước”, báo cáo nêu rõ.