Đề xuất người tự ứng cử có phiếu thấp phải nộp phạt

TPO - Ngày 5/11, thảo luận về dự án Luật Bầu cử, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đối với người ứng cử hoặc tự ứng cử ĐBQH ngay từ khi làm hồ sơ. Thậm chí, quy định người tự ứng cử mà số phiếu đạt thấp quá phải nộp tiền phạt.

Đại biểu Trần Du Lịch. Ảnh: IE

Ông Lịch phân tích, bản thân người ứng cử, tự ứng cử phải là người có uy tín, xứng đáng, nhưng tôi thấy quy định chung chung thế này ai nộp đơn cũng được. “Nên có quy định nếu anh tự ứng cử mà không đạt 10% phiếu hay bao nhiêu phần trăm phiếu bầu, thì phải nộp tiền phạt như một số nước đã làm. Chứ để thế này thì dễ dàng quá” – ông Lịch phát biểu. 

ĐB Lịch cũng kiến nghị, bên cạnh sức khỏe, người ứng cử phải có lý lịch tư pháp, có bản kê khai tài sản thu nhập rõ ràng và phải cân nhắc xem có minh bạch không. “Tôi thấy kê khai ông nào cũng quá nghèo, nhưng thực tế không phải vậy, lần này phải làm rõ hơn”. 

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói, Luật cần cụ thể tiêu chuẩn ĐBQH đã ghi trong Hiến pháp. Đặc biệt, hồ sơ ứng cử phải có giấy khám sức khỏe, nhưng khám sức khỏe này phải quy định cao hơn chứ không như khám sức khỏe lái xe gọi là cho có. “Nên có trắc nghiệm tâm lý, thần kinh, trình độ. Trắc nghiệm không đạt không ứng cử nữa, chứ không thì hậu quả sẽ rất khó giải quyết, vì nhiệm kỳ QH kéo dài tới 5 năm!” – ĐB Nghĩa nói.

Đi bầu cho cả xóm lấy thành tích

ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị, Luật cần quy định để có thể lựa chọn được ĐB tâm huyết với dân, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân. Vì vậy cần quy định rõ tiêu chuẩn ĐB, để nhìn vào đó cử tri biết nên bầu ai. Nếu tới đây nâng số ĐB chuyên trách lên 35% mà không đặt ra tiêu chuẩn phải là chuyên viên cao cấp, có nhiều năm kinh nghiệm thì  sẽ khó làm được việc. 

“Đồng thời, phải có quy định để không bầu hộ, bầu thay rồi vận động bầu cho người này, không bầu người kia. Bỏ phiếu xong, cần niêm phong số phiếu trắng, giám sát kiểm phiếu, đảm bảo kết quả bỏ phiếu là khách quan” – Ông Đương phát biểu.

Đại biểu Đỗ Văn Đương. Ảnh: Infonet

Chia sẻ tình trạng này, ĐB Trần Du Lịch cho biết, hiện tượng đi bầu thay để lấy thành tích không thể chấp nhận. Luật không nên để có chuyện đi bầu giùm, cử tri phải có  thẻ cử tri và  giấy tờ tùy thân mới được bầu cử. “Cũng có phản ánh có tình trạng một người đi bầu cho cả xóm. Kết quả bầu cử đạt chín mươi mấy phần trăm như thế để làm gì? Có gia đình con đi bầu cho cả nhà nhưng về không biết là mình đã bầu ai làm đại biểu” – Ông Lịch nêu thực trạng.

Với quy định mới về Hội đồng bầu cử (HĐBC), ĐB Lịch đề nghị, Luật sửa đổi cần quy định rõ những người đã là thành viên của hội đồng thì không ứng cử, tránh như trước đây người ứng có khi lại chính là Chủ tịch hội đồng, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi. Bây giờ HĐBC phải độc lập, phải quy định rõ nếu đã ứng cử thì không tham gia hội đồng, có như thế cử tri mới thấy Luật có điểm mới đáng ghi nhận. 

ĐB trung ương gửi  - nên đưa hết về Hà Nội

Về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết: Cùng với quy định đặc thù cho thủ đô Hà Nội được bầu một số lượng đại biểu, ví dụ bằng 5 hay 10% tổng số ĐBQH, nên đưa hết ĐB trung ương giới thiệu về Hà Nội để bầu. Lý do ông Nghĩa đưa ra là, nếu đưa về các địa phương khác sẽ rất hình thức, người dân cũng không biết anh làm việc thế nào, tài sản thế nào. “Tín nhiệm của đại biểu không phải ở lúc bầu anh mà là phải qua quá trình anh công tác. Vì thực tế, lúc bầu ví dụ như ở TPHCM cũng chỉ có vài trăm ngàn người bầu anh, còn ở các địa phương khác còn ít hơn” – ĐB Nghĩa phát biểu.

Về quy định vận động bầu cử, ĐB Nguyễn Thị Dung kiến nghị chỉ nên quy định vận động bằng hình thức tuyên truyền thông qua các kênh chính thức, không nên có tranh cử. Đặc biệt, tránh để một số người tự ứng cử hoặc người có điều kiện kinh tế vận động bằng những cách thức khác, dẫn đến không đảm bảo công bằng cho ứng viên khác. Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, nên cấm hình thức sử dụng công nghệ thông tin như lập trang web để vận động bầu cử.