Ði thuyền trên sông Tô Lịch
Với khối lượng nước trên 150.000m3 được bơm bổ cập vào Hồ Tây ngày, đêm, việc này không những cải thiện môi trường nước tại hồ mà còn tạo áp lực để xả ra sông Tô Lịch giúp hình thành dòng chảy tự nhiên cho con sông này. “Từ mực nước chết, ô nhiễm nặng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy và có thể phát triển giao thông thủy”. Đây là nội dung cơ bản của dự án lấy nước từ sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây và tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch vừa được Cty TNHH MTV Thoát Nước Hà Nội (Cty Thoát Nước Hà Nội) chính thức trình UBND thành phố.
Nòng cốt của dự án là xây dựng một trạm bơm có công suất 150.000m3/ngày, đêm đặt ngầm tại khu vực đường Âu Cơ để bơm nước từ sông Hồng chảy theo kênh dẫn dài 2 km vào Hồ Tây. Với công suất trên, Cty Thoát Nước tính toán lượng nước từ sông Hồng được bơm vào Hồ Tây, sau đó xả ra sông Tô Lịch, sẽ giúp dòng sông này có dòng chảy cao từ 1 mét đến 1,7 mét. “Với chiều rộng ngang hàng chục mét và chiều dài hơn 14 km, trải qua 7 quận huyện của thành phố, ngoài tạo dòng chảy tự nhiên, với độ sâu nước như thế đảm bảo cho việc phát triển cả giao thông bằng thuyền, bè”, lãnh đạo Cty thoát nước Hà Nội khẳng định.
Đề cập đến thời gian, nguồn huy động kinh phí, lãnh đạo Cty Thoát Nước Hà Nội cho biết, nếu UBND thành phố có quyết định đầu tư, Cty sẽ phối hợp với các đơn vị có trách nhiệm triển khai dự án trong vòng 10 tháng với nguồn kinh phí có thể bằng vốn ngân sách hoặc huy động xã hội hóa.
Tránh đẩy “bùn” sang nhà khác
Cho ý kiến về đề án trên, nhiều chuyên gia cấp thoát nước và Hiệp hội môi trường cho rằng trong hàng loại giải pháp được đưa ra để xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sông Tô Lịch đề án này có tính khả thi hơn cả. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, nếu chỉ bơm nước để xúc xả lòng sông Tô Lịch thì về bản chất ô nhiễm vẫn chưa xử lý được. Vì như thế, ô nhiễm do nước thải vẫn còn nguyên và được nguồn nước bổ cập từ sông Hồng đẩy về xuôi.
PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến ô nhiễm của sông Tô Lịch lâu nay là do nước thải sinh hoạt của người dân chưa được xử lý hoặc thu gom xả thẳng ra sông. “Để giải quyết ô nhiễm trên sông Tô Lịch cần tiến hành song song hai giải pháp. Đó là cùng với bơm bổ cập nước cũng phải ngăn chặn hoặc xử lý có hiệu quả nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp. Nếu chỉ bơm nước bổ cập mà không ngăn chặn, xử lý được nước thải tại nguồn thì giải pháp bơm nước chỉ giống như việc đẩy bùn bẩn từ nhà này sang nhà khác, không làm thay đổi được bản chất”, ông Hà nói.
Đề cập đến nguồn nước đầu vào, TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia xử lý ô nhiễm nước cũng lưu ý, nước sông Hồng hiện nay khác nhiều với trước đây, do ảnh hưởng của đô thị hóa nước sông hiện này cũng không phải là sạch. Hơn nữa lượng phù sa trong nước sông Hồng rất lớn, ở sông thì tốt nhưng khi vào Hồ Tây và sông Tô Lịch chắc gì đã tốt. Do vậy cùng với thẩm định để phê duyệt dự án, cơ quan chức năng và chính quyền thành phố cần nghiên cứu nghiêm túc về chất lượng nước sông Hồng.
PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng thì đưa hai vấn đề bà quan tâm, thứ nhất: Do dự án trên có liên quan đến cảnh quan và môi trường sống của nhiều người dân ở Thủ đô nên đơn vị triển khai hoặc chính quyền thành phố nên công bố rõ mọi thông tin liên quan. Thứ hai: Hồ Tây lâu nay có chức năng là hồ điều hòa - tiêu úng nước cho phần lớn diện tích thành phố, nay bơm bổ sung thêm nước sông Hồng thì vai trò của hồ có bị thay đổi nhiều khi thực hiện dự án.
Nếu chỉ bơm nước để súc xả lòng sông Tô Lịch, về bản chất ô nhiễm vẫn chưa xử lý được. Vì như thế, ô nhiễm do nước thải vẫn còn nguyên và được nguồn nước bổ cập từ sông Hồng đẩy về xuôi.