Ngày 19/1, tiếp tục phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (đợt 2) và bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn từ vốn ngân sách trung ương hơn 1 triệu tỉ đồng, thì số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 639.061 tỉ đồng. Trong số này, có 242.075 tỉ đồng dự kiến bố trí cho 565 dự án khởi công mới, còn lại chưa phân bổ chi tiết vốn.
Có 340 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư với khoảng trên 88 nghìn tỷ đồng, từ số vốn chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, 330 dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, đã hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư với tổng số vốn trên 85 nghìn tỷ đồng. 10 dự án chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội với tổng số vốn 2.883 tỷ đồng.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điểm nghẽn cơ bản nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư rất chậm, ảnh hưởng tới việc phân bổ, giải ngân vốn. Ngay gói hỗ trợ kinh tế vừa qua, Quốc hội cũng không quyết được vì chưa có danh mục dự án, phải ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội.
Về việc phân bổ mà Chính phủ trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo rõ thêm việc một số dự án đang dở dang nhưng phân bổ thêm vẫn thiếu vốn thì rất khó đạt mục tiêu hoàn thành trong 5 năm. “Có dự án phân bổ 1 - 2% vốn thôi thì không có ý nghĩa gì cả, ngược lại còn làm trầm trọng thêm việc dàn trải, manh mún”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị gắn triển khai kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025 với gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Theo ông Mẫn, phải làm sao để người dân thấy được hiệu quả của gói tài khóa, tiền tệ như xây dựng cầu đường, công trình phúc lợi xã hội.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, giải ngân chậm đúng là vấn đề nhức nhối trong đầu tư công, bàn nhiều năm rồi nhưng chưa đẩy nhanh được, nguyên nhân chủ yếu do khâu chuẩn bị đầu tư, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng.
Theo quy định, khi trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phải có đầy đủ dự án. Ông Khái mong được Ủy ban Thường vụ tạo điều kiện cho Chính phủ và hứa sẽ đẩy nhanh hơn nữa chủ trương này.