Đề xuất công khai danh tính người dùng bằng giả của ĐH Đông Đô

TP - Có chuyên gia đề xuất công bố danh tính những người sử dụng bằng giả để tăng tính răn đe vì họ là công chức, viên chức.
Đã làm rõ 193 người không qua đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh, nhưng vẫn được trường ĐH Đông Đô cấp bằng (Ảnh minh họa)

Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, những người sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô như cơ quan điều tra nêu là nộp tiền không học, nhận bằng giả để sử dụng cho mục đích riêng, nên sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế từng có nhiều trường hợp công chức, viên chức bị phát hiện sử dụng bằng giả để lên lương, lên chức đã bị xử lý.

Ông cho rằng, với người có văn bằng 2 Ngôn ngữ  Anh của trường ĐH Đông Đô, cần phân biệt 2 đối tượng: những người mà cơ quan có thẩm quyền kết luận mua bằng thì phải công khai danh tính, nhưng những người thi thật, học thật thì lỗi không thuộc về họ mà thuộc về trường ĐH Đông Đô và cơ quan quản lý. Những người học thật, thi thật là nạn nhân, nên cần phải được bảo vệ quyền lợi. Theo ông, ngoài việc để trường ĐH Đông Đô hoạt động bình thường, các cơ quan quản lý phải có chế độ giám sát đặc biệt để trường khôi phục nề nếp hoạt động, đảm bảo chất lượng ĐH.

Sẽ thu hồi hoặc không công nhận bằng đã cấp

Một trong số hàng chục trường ĐH có nghiên cứu sinh, học viên cao học sử dụng văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô để hoàn thiện điều kiện đầu vào, đầu ra sau ĐH là trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trường này có 8 trường hợp (4 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học). Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong số 4 nghiên cứu sinh đã có 2 người có bằng tiến sĩ, 3/4 học viên cao học đã có bằng thạc sĩ. “Tuy nhiên, trường mới chỉ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra theo yêu cầu. Còn xử lý như thế nào thì trường chưa nhận được bất kỳ một quyết định hay chỉ đạo nào. Nếu những người đã có bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ của trường mà văn bằng ngoại ngữ 2 của họ bị kết luận là không có giá trị thì tại thời điểm những người này bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, họ không đủ điều kiện. Vì vậy, dù đã có bằng nhưng sẽ bị thu hồi lại hoặc không công nhận bằng đã được cấp”, ông Minh nói.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có 626 người được trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra cho thấy, trong số 216 trường hợp được cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô, đã làm rõ 193 người được cấp bằng không qua đào tạo. Viện Kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện Kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Có 23 trường hợp tham gia học tập tại các cơ sở, nhưng do trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, nên bằng cấp của họ không có giá trị.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, cần phải rà soát xem còn có trường nào cũng gian lận như trường ĐH Đông Đô hay không. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nên dù khó cũng phải làm, ông Quân nói.