Đề xuất bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới

TPO – Ngày 10/9, tại buổi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, đa số thành viên Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định “Nhà nước không cấm hôn nhân đồng tính”.

> Quy định phạt kết hôn đồng giới: 'Một bước lùi'
> Kết hôn đồng giới, không thể xử phạt

Ảnh minh họa.

Trước đó, đa số thành viên Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình nhất trí bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000), thay vào đó là những quy định có nội dung liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc sống chung giữa người cùng giới, như tài sản, con cái (nếu có).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện tán thành “bỏ quy định cấm kết hôn đồng tính”. Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng cũng không cấm. Ông Hiện lưu ý vấn đề này cần phải xử lý một cách thực tế và có lộ trình cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, khi không cấm hôn nhân đồng giới, phải lưu ý các trường hợp chuyển giới. Việc công nhận hôn nhân giữa các trường hợp này cũng cần tính đến.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tưởng Duy Lợi cũng hoàn toàn ủng hộ việc bỏ quy định cấm hôn nhân đồng tính, vì đây là quyền con người.

Ông Lượng cho rằng, quy định “không cấm hôn nhân đồng tính” là phù hợp nhận thức chung của xã hội, khi điều kiện thuận lợi pháp luật sẽ cho đăng ký kết hôn.

“Thực ra, nhóm đối tượng này cũng chỉ là sự nhầm lẫn của tạo hóa, khiến họ khác biệt với số đông”, ông Lượng nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, trước đây, cấm hôn nhân đồng tính. Hiện nay, chúng ta không cấm, nhưng lại không công nhận.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đối với nhà nước pháp quyền, một khi luật không cấm, người dân được làm. Vì vậy, luật phải rõ ràng, không nên dừng ở mức không cấm mà phải công nhận.

“Bởi nếu chỉ nói không cấm thì hậu quả pháp lý của việc này ra sao? Chúng ta cần mạnh dạn vì quyền con người”, ông Phan Trung Lý nói.

Theo Viết