Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các nước ngày càng hướng đến những sản phẩm sạch, an toàn, nếu để nông sản Việt không được an toàn trước hóa chất độc hại thì chẳng khác nào tự kéo mình thụt lùi.
Quá nhiều hóa chất độc hại
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang đề xuất danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam với gần 1.700 hoạt chất với khoảng 4.000 tên thương phẩm. Trong đó, có 662 hoạt chất với 1.568 tên thương phẩm thuốc trừ sâu; 623 hoạt chất với 1.380 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 250 hoạt chất với 706 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ. Đồng thời, trong danh mục còn có nhiều hoạt chất trừ côn trùng, mối, chuột, điều hòa sinh trưởng và bảo quản lâm sản, nông sản sau thu hoạch.
Đáng chú ý, trong số thuốc được phép sử dụng theo danh sách đề xuất, hiện chỉ có 15-20% là thuốc sinh học. Một số chất nguy hiểm như chất diệt cỏ diquat sử dụng rộng rãi ở Việt Nam có độ độc tương đương paraquat (Bộ NN&PTNT đã cấm lưu hành). Tuy nhiên, trong danh mục sắp ban hành vẫn có tới 23 tên sản phẩm thương mại của chất diquat được phép kinh doanh, với hàng loạt doanh nghiệp đứng tên đăng ký phân phối. Đặc biệt, nhiều loại chất vừa bị Liên minh châu Âu (EU) phát hiện tồn dư trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và yêu cầu thu hồi nhưng vẫn có trong danh sách đề xuất được phép sử dụng.
Điển hình, mới đây nhất là quả chôm chôm bị cơ quan chức năng Italia phát hiện vượt ngưỡng tồn dư các chất trừ sâu hại (imidacloprid, thiamethoxam; clothianidin; phenylphenol; profenofos…). Tuy nhiên, trong danh mục các hoạt chất được lưu hành do Bộ NN&PTNT đề xuất, có tới khoảng 100 loại thuốc (tên thương phẩm) có chứa chất imidacloprid, 50 loại thuốc chứa chất thiamethoxam…Tương tự, Na Uy cũng thu hồi một lô bưởi của Việt Nam vì phát hiện chứa chất cấm (propargite và fenobucarb) khi vượt ngưỡng dư lượng quy định của nước này. Hai chất này cũng có trong danh mục sản phẩm thuốc trừ sâu được đề xuất lưu hành, với hàng chục sản phẩm khác nhau.
Theo các chuyên gia, với quy mô nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, việc một danh mục với 4.000 loại thuốc được đề xuất được phép đưa vào sử dụng là quá nhiều. Chưa kể, số lượng thuốc trừ sâu giả, thuốc cấm bày bán tràn lan trên thị trường đang có nguy cơ “đầu độc” ngành nông nghiệp.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong số hơn 40 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, riêng ngành trồng trọt chiếm hơn 50% với khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất đi các nước EU liên tiếp bị cảnh báo, trả về do tồn dư các chất bảo vệ thực vật vượt quá quy định của các nước này là câu chuyện báo động.
Theo ông Nam, hiện việc quản lý các hóa chất bảo vệ thực vật ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Người dân tự do trong việc sử dụng các loại hóa chất, minh chứng là chi phí đầu vào các sản phẩm của Việt Nam thuộc nhóm cao hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật dễ dàng, lợi nhuận lớn dẫn tới tình trạng không ít đơn vị lợi dụng, trục lợi buôn bán thuốc trừ sâu giả, thuốc cấm.
“Thậm chí, một số chất có trong danh mục cấm như chlorpyrifos ethyl, glyphosate (trừ sâu, diệt cỏ) nhưng vừa qua EU vẫn phát hiện có trong mướp đắng xuất khẩu từ Việt Nam. Với các nước có hệ thống kiểm tra hiện đại, khi họ phát hiện chất cấm hoặc tỷ lệ chất cấm vượt ngưỡng cho phép trong nông sản thì họ trả về hoặc tiêu hủy. Nhưng với người tiêu dùng trong nước sẽ ra sao nếu vẫn ăn những sản phẩm này”, ông Nam đặt câu hỏi.
Nỗi lo chất lượng nông sản
Trong khi các nước đang chuyển dần sang nông sản chất lượng cao, giá trị cao, nếu Việt Nam sử dụng hàng nghìn chất bảo vệ thực vật có thể khiến nông sản Việt trước nguy cơ thất thế. Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam nhận được 34 cảnh báo từ EU về vi phạm các quy định an toàn thực phẩm, trong đó, chủ yếu là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nam, hiện không chỉ EU, các thị trường khác như Mỹ, Úc, Trung Quốc… cũng đang siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm. Các thị trường nhập khẩu nông sản đang thay đổi liên tục về tiêu chuẩn sạch theo hướng ngày càng ngặt nghèo nên doanh nghiệp, người dân không cập nhật liên tục sẽ dính ngay vi phạm. Chỉ cần tồn dư một lượng rất nhỏ, sản phẩm có thể bị trả về hoặc thu hồi, gây ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Việt Nam.
“Xu hướng phát triển nông nghiệp của các nước ngày càng hướng đến những sản phẩm sạch, an toàn và không hóa chất. Tới đây, ngay cả thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng các quy định mới về vấn đề này. Nếu chúng ta không kịp thay đổi để thích nghi, nguy cơ nông sản sẽ bị trả về là rất cao”, ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện là chất cấm trong các sản phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
“Trong danh mục lần này, Bộ NN&PTNT cần mạnh tay loại bỏ những chất cấm, chất độc, đồng thời siết chặt vấn đề cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật”
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T
Để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, các doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó không được dùng các chất trong danh mục cấm của họ. Doanh nghiệp phải xây dựng vùng trồng đạt chuẩn, hợp tác với nông dân, hợp tác xã có vùng trồng theo GlobalGap, VietGap…
“Trong danh mục lần này, Bộ NN&PTNT cần mạnh tay loại bỏ những chất cấm, chất độc, đồng thời siết chặt vấn đề cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật”, ông Tùng kiến nghị.
Ðã tham khảo chuyên gia?
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước khi đưa các chất vào danh mục được cấp phép hoạt động, hoặc cấm, cục đã lập hội đồng tham khảo ý kiến từ chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời khảo nghiệm, thử nghiệm kỹ càng.
Theo vị này, đối với mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên, khí hậu… sẽ có những danh mục khác nhau đảm bảo giống cây trồng phát triển tốt. Hiện, Việt Nam có nhiều hoạt chất không được phép sử dụng hoặc cấm sử dụng từ lâu nhưng tại các nước như EU, Mỹ, các hoạt chất ấy lại được sử dụng như glyphosate, chlorpyrifos ethyl….Ngược lại, một số hoạt chất mà các nước này cấm sử dụng như chlor-fenapyr, kassugamycin, diquat, cartap, atrazine... thì Việt Nam vẫn sử dụng.
Đối với các chất EU cấm hoặc khuyến cáo không sử dụng, Cục bảo vệ thực vật cho biết, sẽ tiếp tục rà soát trên các cơ sở quy định của Việt Nam, đặc biệt củng cố các bằng chứng khoa học về nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe, con người, vật nuôi, và môi trường.