Để trong sạch, nhà giáo cần sống được bằng lương

TP - Ngày 8-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “Người thầy - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

> Không quản được dạy, học thêm thì cấm!

Hàng loạt các vấn đề nóng như: lương giáo viên, chuẩn mực của người thầy trong xã hội hiện đại - nhân cách, phẩm chất nhà giáo… đã được đề cập.

Mong sống được bằng lương

Theo bà Nguyễn Thị Gái, Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục TPHCM, nghề dạy học vốn được xem là nghề cao quý, bởi người thầy không những dạy chữ mà còn dạy người.

Chính vì vậy, học sinh sẽ học làm người từ đạo đức, lối sống và cách xử sự của chính người thầy.

Do đó, người thầy phải có tác phong chuẩn mực, nghiêm túc bởi hình ảnh của thầy thường ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, phẩm chất của trò.

Tại buổi tọa đàm, một vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến đó là việc xây dựng chuẩn mực của người thầy trong xã hội hiện nay.

Nhiều đại biểu cho rằng, hiện có những người theo nghề giáo, gắn bó với nghề không phải vì sự nổi tiếng, chức vụ cao sang, công việc nhàn nhã… mà chính từ tình yêu nghề và trách nhiệm với nghề giáo.

PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, động lực chính thúc đẩy người thầy say mê trên bục giảng nằm gọn trong mấy chữ “tin - yêu- tinh thần trách nhiệm”.

Ông nói: “Một người bình thường nếu bước vào nghề chỉ vì một sự toan tính nhỏ nhen, không thật tâm muốn khám phá và cống hiến cho vẻ đẹp của nghề mình chọn thì không bao giờ biết tin, biết yêu và biết có trách nhiệm với nó”.

Chính vì thế, có đại biểu cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ những người thầy yêu nghề thực sự thì trước hết phải tạo động lực cho người thầy, nâng cao vị thế xã hội của họ và phải cải cách chính sách về lương, thưởng, thăng tiến, đánh giá đãi ngộ phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc, tài liệu và thiết bị dạy học.

Một trong số vấn đề được đề cập nhiều là thu nhập của nhà giáo. Nhiều người cho rằng, lương giáo viên hiện nay quá thấp khiến thầy cô giáo phải bươn chải kiếm sống, không tận tâm với nghề.

Thu nhập từ nghề giáo quá thấp nên mới xảy ra hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như: ép học sinh học thêm, mua bán điểm… TS Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: Hầu hết mọi căn bệnh tiêu cực tàn phá giáo dục trong mấy thập kỷ qua đều có nguồn gốc ở chính sách lương, thu nhập của người thầy.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM cho biết, hiện nay lương giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng và có quá nửa số giáo viên lãnh dưới mức này, giáo viên mầm non chỉ có mức lương 1,8 triệu đồng. Đối với giảng viên ĐH, lương bình quân cao nhất là khối ngành kỹ thuật cũng chỉ 5,1 triệu đồng/tháng.

Đạo đức xuống cấp?

Theo nhiều đại biểu, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong xã hội.

Cô Phạm Thị Quý, giáo viên trường THCS Chu Văn An (Q.11) nhận định: Hiện nay, một số ít thầy cô giáo dùng uy quyền buộc học sinh phải làm theo những điều mình muốn, lợi dụng phụ huynh và học sinh để kiếm tiền, trục lợi bằng mọi hình thức… gây nên những bức xúc, phẫn nộ cho phụ huynh, học sinh và xã hội.

Ông Đào Thanh Uyên, trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy quận 11 (TPHCM) cho rằng, vẫn còn nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, nhiệt huyết với nghề giảm sút, thậm chí coi việc dạy thêm, học thêm ngoài quy định là “cần câu cơm” để rồi cắt xén kiến thức cần truyền đạt trên lớp để dạy ở nhà, hoặc có giáo viên “làm khó” học trò và phụ huynh…

PGS.TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) đưa dẫn chứng khác về hiện tượng “để dành” chương trình để dạy thêm. Em nào không đi học thêm, không làm bài tập như thầy cô giáo giảng thì không được điểm cao.

Hay cô giáo đến thỉnh giảng ở một trường xa thì hay gợi ý để học sinh dẫn đi mua đồ đạc, thầy giáo thì hẹn gặp học trò ở quán xá. Học trò gặp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ thì lúc nào cũng phải có phong bì.

Theo Báo giấy