Dễ thương 'Ý tưởng Trẻ thơ'

TP - Những ý tưởng tốt nhất của trẻ thơ “cho cuộc sống tốt đẹp hơn” vừa được trao giải ngay trong ngày diễn ra vòng chung kết ở Hà Nội.
Mô hình “Mũ chống sét” của Nguyễn Thị Mai Ly, Nguyễn Thiên Hòa (Quảng Nam), giải Nhất khối 4-5.

Thông minh, thú vị

Hoàng Hạnh Trang ở Bắc Giang thuyết trình tại khách sạn Melia Hà Nội sáng 22/8: “Hằng ngày, bà và mẹ đi chợ mua rau không dám mua nhiều vì sợ không đảm bảo. Trước cửa nhà con có cái hồ rất rộng, con nói với bà ý tưởng trồng rau trong thuyền, vừa tận dụng được mặt hồ, ánh sáng mặt trời, làm đẹp hồ và người trồng rau không còn quá vất vả”. Ý tưởng với sự thuyết trình chi tiết về cơ chế vận hành, rốt cuộc nhận giải Nhì khối 1-3. (Có hai khối dự thi: khối lớp 1-3 và khối lớp 4-5. Mỗi khối có ba giải: Nhất, Nhì, Ba).

Ý tưởng “Mũ chống sét” đoạt giải Nhất khối 4-5 của bé Mai Ly và Thiên Hòa ở Quảng Nam xuất phát từ thực tế và ước mơ sau: “Mưa giông kèm sấm sét cướp bao sinh mạng của bà con nông dân đang làm việc trên đồng. Nhìn cảnh thương đau đó, em mơ ước mọi người khi ra đường hay làm việc trên đồng, đều được đội cái mũ gắn cần chống sét. Mũ gồm 3 lớp, có cần ăng-ten để thu, xử lí dòng điện không ảnh hưởng cơ thể và mọi vật, có lớp xốp cách điện và bảo vệ đầu, lớp vải để hút mồ hôi, êm đầu và cố định lớp xốp”.

Những ý tưởng đoạt giải khác, xuất phát từ những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày, thể hiện sự quan tâm giản dị mà thực tế: “Kiến phát hiện động đất” của Đỗ Ngọc Anh Thư, “Xe ốc sên sửa chữa đường hư hỏng” của Nguyễn Thị Mai... Nhiều trong số 30 ý tưởng vào chung kết đều có sự phát hiện và nêu giải pháp thú vị: “Áo phao kèm chong chóng tạo năng lượng cấp cứu”, giúp người không may bị tai nạn trên biển tăng khả năng sống sót. Áo có túi chứa dinh dưỡng dạng nước giúp người bị nạn cầm cự khi đói. “Bể tập bơi năng lượng mặt trời” thì phù hợp trẻ nhỏ, tắm ở bể này không lo chìm, thoải mái tập bơi không lo đuối nước. Rồi “Khỉ chữa điện” (khỉ thông minh được hướng dẫn leo trèo trên cao thay người chữa điện)...

“Máy gom tia sáng mặt trời thành đá năng lượng” - nhằm thay thế nguồn tài nguyên thiên nhiên bị con người khai thác cạn kiệt - của Đinh Quang Lâm ở Hải Dương, nghe qua khá hão huyền, giám khảo lại thích thú. Nghe chú bé thuyết trình rằng ý tưởng này thích hợp ở sa mạc, giám khảo hỏi “Vậy sao cháu lại nghĩ ra nó vì Việt Nam có sa mạc đâu”, chú đáp ngay: “Cháu hy vọng ý tưởng của cháu không chỉ dùng ở Việt Nam mà các nước” khiến cử tọa cười ồ. Có lẽ sự tự nhiên, hỏi đâu đáp đấy của bé đã chinh phục giám khảo, hơn là tính khả thi của ý tưởng.

Đinh Quang Lâm (Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hải Dương), giải Nhất khối 1-3 với ý tưởng “Máy gom tia sáng mặt trời thành đá năng lượng”.

Những băn khoăn không mới

Lần thứ 8 Cty Honda phối hợp Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) tổ chức Ý tưởng Trẻ thơ. Năm nay, có 430.008 ý tưởng tham dự. Ngoài giải cá nhân, các trường có học sinh đoạt giải đều nhận phần thưởng tương ứng 60, 50 và 40 triệu đồng bằng hiện vật.

Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, ông Kiwamu Kayano, thành viên giám khảo, chia sẻ: “Cuộc thi luôn đem lại cho tôi sự mới mẻ bởi các ý tưởng qua mỗi năm đều có sự mới lạ. Trí tưởng tượng của con người là vô hạn đặc biệt khi chưa bị gò ép, và độ tuổi 6 đến 11 là tốt nhất để các bé thỏa sức tưởng tượng, quan sát và có thể diễn tả cho người lớn chúng ta thấy. Có thể phụ huynh cùng các thầy cô thấy sự ngây thơ trong suy nghĩ hay lúng túng vụng về khi các bé làm mô hình, nhưng tôi tin họ cảm nhận rõ sự tự tiến bộ và thích thú của các bé”.

Từ kết quả cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ, nhà tổ chức Honda Việt Nam dành 2,15 tỷ đồng tặng học bổng và thư viện cho học sinh nghèo khó khăn trên toàn quốc.

Qua 8 lần tổ chức, vấn đề gây suy ngẫm có lúc không phải là sự vụng về non nớt của những đứa trẻ mà ngược lại, càng thấy những mô hình làm quá đẹp, ý tưởng quá thông minh ngộ nghĩnh, càng băn khoăn: Các bé tự nghĩ đến đâu, sự trợ giúp của người lớn (bố mẹ, thầy cô) có quá mức cho phép? Còn nếu chúng tự nghĩ phần lớn, thì đáng mừng.

Có bé, nhỏ hơn hẳn bạn đồng lứa, nghe hỏi “Cháu không ăn được hay sao mà người nhỏ vậy” hồn nhiên đáp”: “Cháu ăn được nhưng không hấp thu” khiến mọi người cười ầm. Cô bé Bảo Ngọc đến từ Cần Thơ tác giả phát minh “Máy tạo nước và bảo vệ môi trường” đoạt giải Ba khối 1-3 cũng do màn thuyết trình gây được ấn tượng chân thật hồn nhiên đúng tuổi.

Điều nữa, chứng kiến trẻ nhỏ, nhất là người các tỉnh thể hiện ở đám đông, mới thấy ảnh hưởng ghê gớm của văn hóa truyền hình. Cách nói đóng khung về nội dung, câu cuối nhấn mạnh, cao vút. Và rồi không hiểu thầy cô hay cha mẹ dặn quá kỹ hay sao mà hầu hết không quên dõng dạc cảm ơn công ty Honda đã mang lại sân chơi cho chúng cháu- theo kiểu ông bà cụ non. Mô hình thi của mỗi bé đều đính tên nhà tổ chức rất trang trọng, và họ, những người nghĩ ra cuộc này có lẽ cũng chỉ cần huy động càng đông nhà phát minh nhí (thực thụ) tham gia càng tốt, đủ hài lòng rồi, khỏi cần nghi thức ngoại giao kiểu người lớn.