Trước giờ G, mọi vấn đề liên quan đến kỳ thi đã được giải quyết đến đâu, đặc biệt ở những vùng khó khăn, thưa Thứ trưởng?
Tới thời điểm này công tác tổ chức ở các địa phương và các cụm thi trên cả nước đã hoàn tất. Mấy ngày nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đến các cụm thi, đặc biệt những cụm thi lần đầu tiên tổ chức kỳ thi có quy mô lớn để kiểm tra và xử lý các vướng mắc tại chỗ. Qua kiểm tra thấy các địa phương và các cụm thi đã quán triệt rất sâu sắc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là bằng mọi cách không để thí sinh nào vì khó khăn mà không đến được địa điểm thi.
Các địa phương đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà trường, các đoàn thể, các ban ngành để thí sinh được đi thi, đặc biệt thí sinh người dân tộc và thí sinh ở vùng khó khăn đều nhận được sự hỗ trợ: bố trí ăn ở, tổ chức xe đưa đón đến nơi thi; nhiều thí sinh nhận được chỗ ở, bữa ăn miễn phí.
Đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực của tổ chức Đoàn TNCS HCM và Hội Sinh viên trong chiến dịch tiếp sức mùa thi, trực 24/24 ở các bến tàu, nhà xe để giúp đỡ thí sinh. Mọi công việc đăng ký dự thi, chỉnh sửa dữ liệu đã hoàn tất, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đợt để thí sinh chỉnh sửa thông tin.
Điều mà nhiều thí sinh lo nhất là do kết hợp 2 mục tiêu nên có thể đề thi sẽ khó hơn, ông nói gì về điều này?
Các thí sinh hãy đi vào phòng thi với tâm trạng thoải mái nhất để làm bài tốt nhất. Đề thi minh họa đã giúp cho thí sinh biết được định dạng đề thi, cách ra đề… Bộ sắp xếp, điều chỉnh để câu dễ trước, câu khó sau để những thí sinh học bình thường có thể làm được 60%. 40% câu hỏi sau khó hơn là để phân loại thí sinh giúp các trường có thể tuyển sinh. Vì vậy, thí sinh hãy bình tĩnh, các kiến thức đã học sẽ giúp các em làm được bài thi vì đề thi không đánh đố, không bắt buộc học thuộc một cách máy móc hoặc trả lời theo khuôn mẫu. Kiến thức đã học sẽ giúp các thí sinh vận dụng và làm được bài thi.
Một điều đáng lưu ý, thí sinh không mang tài liệu vào phòng thi vì mang theo cũng không làm được gì. Thí sinh, tốt nhất làm bài thi một cách nghiêm túc vì nếu mang tài liệu vào, bị phát hiện thì sẽ bị đình chỉ thi, không tốt nghiệp được THPT và cũng không vào được ĐH, CĐ. Hãy vào phòng thi với tâm trạng thoải mái nhất để có kết quả tốt nhất.
Nỗi lo bóc nhầm đề thi trong một kỳ thi có tới 8 môn thi nên được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Khác các kỳ thi trước đây, năm nay chỉ có 1 kỳ thi duy nhất diễn ra trong 4 ngày liên tục. Vì vậy, kỳ thi sẽ có nhiều môn thi hơn và điều mà các trường thi cần cẩn trọng là tránh bóc nhầm đề thi. Khác với kỳ thi tốt nghiệp hay ba chung như mọi năm. Năm nay, phòng thi thí sinh không cố định: Thí sinh dịch từ phòng thi này sang phòng thi khác, tùy thuộc vào môn thi các em đăng ký. Ngoài ra, số môn thi nhiều hơn mỗi lần thi trước đây, một số cụm thi xa trung tâm phải nhận đề thi 8 môn một lúc để bảo quản theo một quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy, khi sử dụng đề thi, các trường thi phải thận trọng để tránh nhầm lẫn. Các trường thi lưu ý, lúc lấy đề thi sử dụng phải theo đúng quy định và nhắc nhở giám thị làm đúng quy trình trong quy chế tuyển sinh để tránh nhầm lẫn.
Xin cám ơn ông!
Sáng 29/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có buổi làm việc với cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Cụm thi 27 có 29 điểm thi với 30.898 thí sinh đăng ký, trong đó hai môn tiếng Nga và Đức không có thí sinh nào đăng ký. Có 81 thí sinh điều chỉnh hồ sơ liên quan đến các nội dung như sai ảnh dự thi, sai thông tin cá nhân, bổ sung xét tuyển vào các trường công an, quân đội.
Đào Phan