Đề nghị xem lại tên gọi 'sữa tiệt trùng'

TP - Tại phiên họp giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội ngày 28/7, bên cạnh việc bàn giải pháp tổng thể phát triển ngành sữa nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần sửa quy chuẩn về khái niệm sữa do đơn vị này ban hành.
Khái niệm “sữa tiệt trùng” làm người tiêu dùng nhầm với sữa tươi từ nhiều năm nay. Ảnh: Như Ý

Phiên họp giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội (Ủy ban KHCN&MT) có chủ đề: “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng”.

Khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sữa tươi

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mỗi người Việt sử dụng 18 lít sữa/năm; trong khi Thái Lan 34 lít/người/năm, Singapore 45, Ấn Độ 46, Anh 112. Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., sữa dạng lỏng được sản xuất từ 100% sữa tươi. Hiện, Việt Nam chỉ có 28,3% là sữa tươi và mỗi năm tiêu tốn hơn 1 tỷ USD để nhập sữa bột. Ông Chinh đề nghị cần đẩy mạnh phát triển ngành sữa tươi trong nước.

Thực tế, xu hướng “tươi hóa” ngành sữa đang được các doanh nghiệp triển khai; đặc biệt từ năm 2010. Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Vinamilk đã có nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn và luôn “thủy chung” với các hộ nông dân nuôi bò sữa. Đặc biệt, với sự góp mặt của TH true Milk (từ năm 2010 với mô hình chăn nuôi tập trung theo công nghệ cao) góp phần thúc đẩy ngành sữa tươi; kéo giảm lượng sữa bột từ 92% (năm 2010) xuống còn 71,7%.

Tuy nhiên, Viện trưởng Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, không nên phát triển mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vì: Nông dân khó chọn tạo giống chất lượng (để bò lai tạo tự nhiên, dễ xảy ra cận huyết, phát sinh dịch bệnh, chất lượng sữa giảm); kỹ thuật vắt, bảo quản sữa đòi hỏi kỹ thuật cao, nông dân khó thực hiện đúng yêu cầu. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị nên hướng nông dân vào “đại nông nghiệp”, trở thành công nhân trong các dự án sữa tươi lớn. “Không thể cứ một con bò gầy gò, ăn cỏ đơn thuần cho ra dòng sữa gọi là sữa tươi Việt Nam” – ĐB Khánh nói. Đại diện TH True MILK đề nghị nên để nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất sữa tươi ở khâu trồng thức ăn nguyên liệu cho bò. Công ty Sữa quốc tế cho rằng: “Không khuyến khích chăn nuôi tự phát nhỏ lẻ, tập trung vào mô hình chăn nuôi nông hộ từ 15-20 con”.

Tại phiên họp, Cục Chăn nuôi đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về sữa (bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp chế biến sữa, hội nông dân...) để điều phối xuất nhập khẩu sữa bột; bảo hộ ngành sản xuất sữa tươi trong nước và nông dân. Nhiều đại biểu cũng đề nghị sớm triển khai sữa học đường; tập trung sử dụng nguyên liệu sữa tươi nhằm đưa đến nguồn sữa bổ dưỡng nhất cho trẻ và khuyến khích ngành sữa tươi.

Người tiêu dùng khó phân biệt “sữa tiệt trùng” với sữa tươi

Nội dung được sự quan tâm và thảo luận nhiều ở phiên họp giám sát là việc Bộ Y tế sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” để chỉ các loại sữa làm chủ yếu từ sữa bột (hoặc sữa bột pha với một phần sữa tươi).  

Ông Lê Văn Giang, Cục phó An toàn thực phẩm (đại diện Bộ Y tế) kiên trì quan điểm: Khái niệm “sữa tiệt trùng” được sử dụng do đặc thù sản xuất trong nước; thành phần cấu tạo nên sữa tiệt trùng đã được nói rõ trong quy chuẩn, không gây nhầm lẫn. Ông Giang còn cho rằng, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-1:2010 của Bộ Y tế ban hành (đưa ra khái niệm sữa tiệt trùng) còn chi tiết hơn tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ). “Không có gì khó hiểu; không có gì không phù hợp với quốc tế” – ông Giang tuyên bố. Đồng quan điểm, GĐ điều hành Vinamilk Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, QCVN 5-1:2010 phù hợp với Codex; không nên thay đổi để tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng; tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Khoảng 10 ý kiến của các bên liên quan phát biểu sau đó đều cho rằng khái niệm “sữa tiệt trùng” gây nhầm lẫn. Viện trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Người tiêu dùng đang móc hầu bao mà không biết mua được sữa bột hay tươi “Khi làm sữa bột, các hãng tách lấy chất béo rất quý trong sữa để làm sản phẩm khác. Khi làm dùng sữa bột làm lại thành sữa nước; các hãng phải bổ sung dầu thực vật, không thể bằng chất béo nguyên bản của sữa bò. Vì thế, nhầm lẫn thiệt hại rất lớn cho người dùng; đề nghị Bộ Y tế sớm sửa” – ông Sơn nói.

Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng nêu: Khái niệm “sữa tiệt trùng” chỉ thể hiện công nghệ chế biến. Người dân đã quen với khái niệm sữa hoàn nguyên (khái niệm do Bộ KHCN ban hành để chỉ loại sữa làm từ sữa bột - PV), không nên dùng khái niệm sữa tiệt trùng gây khó hiểu. Đại diện Bộ Công thương nói: “Tiệt trùng hay thanh trùng là việc của doanh nghiệp để bảo quản sữa lâu, bán được nhiều. Người tiêu dùng không cần quan tâm; cái cần là trong sữa đó có gì. Bộ Y tế cần sửa lại”.

Ông Hoàng Công Trang, Phó Tổng GĐ Tập đoàn TH (thương hiệu sữa TH true MILK) xác nhận Bộ Y tế giải thích rất rõ khái niệm trong quy chuẩn. Tuy nhiên, theo ông này, người tiêu dùng không đọc phần “giải thích khái niệm” mà chỉ đọc khái niệm ngắn gọn ghi trên hộp sữa và đây chính là nguyên nhân gây nhầm lẫn.

Đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh nói, bản thân bà đến cuộc họp này mới biết mình bị nhầm lẫn. “Tiếng Việt rất dễ hiểu; sữa bột là sữa bột, sữa tươi là sữa tươi. Không nên gọi sữa tiệt trùng là sữa hoàn nguyên; đây thực chất là sữa nước pha lại từ sữa bột” – bà Khánh nói. Bà Khánh cho biết, nếu Bộ Y tế không nhanh chóng sửa sẽ gửi văn bản đề nghị chính thức. Hai đại biểu của Ủy ban KHCN&MT khác cũng đề nghị thay đổi khái niệm.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, GĐ Văn phòng Codex Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Y tế cũng cho rằng: Quy chuẩn của Bộ Y tế không theo tiêu chuẩn của Codex (Cũng tương tự như tiêu chuẩn Việt Nam, chia “sữa tiệt trùng” thành “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” - PV).

Kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT đề nghị bộ ngành nghiên cứu giải pháp tổng thể (về quy hoạch; nghiên cứu khoa học; chính sách hỗ trợ tài chính, thuế; tách bạch trong quản lý sữa giữa các bộ ngành, lập cơ quan quốc gia về sữa tươi…) để phát triển ngành sữa tươi. Về khái niệm sữa, ông Tiến kết luận: “Đề nghị sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010; đặc biệt là khái niệm sữa tiệt trùng; minh bạch nguồn sữa nguyên liệu, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, phù hợp tiêu chuẩn Codex”.