TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):

'Đề nghị tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội'

TP - Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình ra quyết định truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ tai biến chạy thận nhân tạo làm 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Quyết định này khiến đội ngũ cán bộ y tế lo lắng khi hành nghề. Ngày 13/4, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Những vấn đề pháp lý đối với trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương”.
BS Hoàng Công Lương trong lần bị công an bắt tạm giam. Ảnh: Tư liệu.

Tại buổi tọa đàm, luật sư, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định thì tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình áp dụng với bác sĩ Lương là hình thức tù giam, không áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ (án treo). Theo ông Quang: “Nếu nhận mức án này, bác sĩ Lương, vợ con, gia đình, dòng tộc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sự nghiệp bác sĩ Lương sẽ bị tiêu tan, sẽ sống trong tương lai mờ mịt, vô vọng”. Đối chiếu với cáo trạng về tội danh của bác sĩ Lương, ông Quang cho rằng, có một số yếu tố cấu thành tội phạm cần được xem xét lại.

Theo ông Quang, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chất này trong các mẫu được xét nghiệm cao gấp 245 - 260 lần cho phép, khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Từ nguyên nhân trên, chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO. Trong khi đó, bác sĩ được đào tạo là để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị của bệnh viện quản lý. Do mối quan hệ nhân quả trên, bác sĩ Lương không phải người có quyền hạn liên quan đến việc này nên không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế …

Về yếu tố khách quan liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm, do không có quyền hạn liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO nên bác sĩ Lương không kiểm tra và nếu có kiểm tra thì bác sĩ Lương cũng không thể kiểm tra vì không được đào tạo, không có kiến thức kiểm tra, không có thiết bị chuyên ngành để kiểm tra và dù có nếm, ngửi, sờ… nước RO thì cũng không biết nước đó có bảo đảm tiêu chuẩn hay chưa.

Cáo trạng ghi bác sĩ Lương không báo cáo với Trưởng khoa mà đã ra y lệnh điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên theo phân tích của các luật sư, nếu có báo cáo thì Trưởng khoa cũng không biết chất lượng nước RO sau sửa chữa, bảo dưỡng có bảo đảm tiêu chuẩn hay chưa nên hậu quả chết người vẫn xảy ra vì trưởng khoa cũng là bác sĩ không được đào tạo, không có thiết bị chuyên ngành để kiểm tra nước RO.

TS Quang khẳng định: “Các phân tích trên đây cho thấy, việc truy tố bác sĩ Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm (chủ thể, khách quan liên quan đến hành vi thiếu trách nhiệm) nên không có căn cứ để kết tội. Đề nghị Tòa án tuyên bố vô tội cho bác sĩ Lương để tránh oan sai, bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong công tác xét xử theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta”.

Tham gia tọa đàm, Luật sư Trần Hồng Phúc, đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định việc quy tội danh cho bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không chính xác. Bởi xét về mặt quy trình của Bộ Y tế đưa ra thì bác sĩ chỉ phải chịu trách nhiệm chính về chuyên môn chứ không phải chịu trách nhiệm về các vấn đề như vật tư trang thiết bị y tế, hay thuốc. Do đó, có sự mâu thuẫn khoa học pháp lý khi quy kết tội đối với bác sĩ Lương.

Nhân viên y tế hoang mang

Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật cho các bị can còn lại, không để lọt tội phạm để tạo niềm tin trong nhân dân và sự yên tâm công tác cho các thầy thuốc, nhân viên y tế trên cả nước. Ông Quang phân tích: “Hiện nay, đa số bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy bất an, không yên tâm điều trị, phục vụ người bệnh khi mà số lượng vụ việc lăng mạ, chửi bới, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế ngày một gia tăng. Nếu Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử bác sĩ Lương theo đúng tội danh này thì họ lại càng bất an hơn vì cảm thấy không được pháp luật bảo vệ. Bởi lẽ, trang thiết bị y tế hỏng, thuốc kém chất lượng, vật tư tiêu hao không an toàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh thì bác sĩ khi kê đơn, ra y lệnh đều có thể phạm tội ngoài yếu tố chuyên môn cả.

 Đại diện Hội thầy thuốc cho rằng việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã khiến cho nhiều y, bác sỹ hoang mang. Vì vậy, cần phải có những hành lang pháp lý rõ ràng và cụ thể để các bác sĩ yên tâm công tác.

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, ngày 29/5/2017, khi bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì xảy ra sự cố khiến 8 người tử vong, 10 người may mắn thoát chết. Hội đồng chuyên môn đã họp và thấy rằng hệ thống lọc nước RO có vấn đề. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất Acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra.

Ngày 22/2/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất cáo trạng và ra quyết định truy tố 3 bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, về các tội “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 28/2/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình có thông báo đính chính quyết định truy tố. Theo đó, bác sĩ Lương chỉ bị truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.