Chia sẻ với phóng viên, vị Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết đề nghị này xuất phát từ lòng tự hào, kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự ra đi của Đại tướng và lễ Quốc tang của Đại tướng diễn ra mới đây là minh chứng cho sức mạnh của lòng dân, sự suy tôn lớn lao của đồng bào với Đại tướng.
“Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thứ 2 có sức ảnh hưởng đặc biệt tới toàn thể nhân dân Việt Nam. Trái tim của Đại tướng ngừng đập nhưng gần 90 triệu trái tim của đồng bào cả nước đã hòa cùng một nhịp và xích lại gần nhau để cùng hướng về Người.” - Trung tướng Thước bày tỏ.
Nói về lí do đưa ra đề nghị Quốc hội và Nhà nước đặc cách truy phong hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Thước cho biết, có những nước phong hàm Nguyên soái cho lãnh đạo quân sự cấp cao nhất và đặc biệt nhất của đất nước họ, nhưng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hàm Đại tướng.
Trong khi đó, ở thời kỳ chiến tranh thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người mang hàm cao nhất, nhưng đến khi hòa bình xét theo vị trí công tác và năm công tác thì có nhiều người đã được phong hàm Đại tướng.
“Hôm nay nhân dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tất cả tình cảm thiêng liêng và đặc biệt nhất, nhưng hàng trăm năm sau, hàng nghìn năm sau liệu điều đó có còn trường tồn nguyên vẹn như ngày nay?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị lãnh tụ về quân sự chứ không chỉ là một bậc thiên tài quân sự, vì thế để thể hiện sự kính trọng và mãi mãi suy tôn Người thì Quốc hội và Nhà nước ta cần có đặc cách truy phong hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” - Trung tướng Thước nhấn mạnh.
Theo Trung tướng Thước, việc đặc cách truy phong hàm Nguyên Soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cũng giống như việc đặc cách tổ chức Quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi xét theo quy định thì Quốc tang chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, nhưng Đại tướng lại không nằm trong danh sách nguyên thủ.
Vì vậy, khi Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức tang lễ theo nghi thức Quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đã tạo được lòng tin trong nhân dân và hiểu được lòng dân. Đề nghị truy phong hàm và danh hiệu cho Đại tướng cũng là ý nguyện của lòng dân.
Dưới đây là phần trích đăng bức thư của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước với những chia sẻ về tâm tư, tình cảm và đề nghị truy phong hàm Nguyên Soái, danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyễn Giáp:
“… Tôi nhớ lại trong những năm 90 của thế kỷ 20, trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội cũng như ngoài quân đội đã nhiều lần đề nghị Đảng, Nhà nước phong hàm Nguyên soái cho Đại tướng. Lúc bấy giờ ý kiến chỉ đạo là Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có hàm đến cấp Đại tướng nên không thực hiện được.
Nay Đại tướng đã trở thành người thiên cổ, cũng như lúc còn sống, Người không đòi hỏi gì cho bản thân. Nhưng qua những ngày Quốc tang Đại tướng, chúng ta thấy rõ qua lòng dân rằng phải có một danh hiệu xứng đáng với vai trò và cống hiến của Đại tướng, điều đã được thể hiện cụ thể, chi tiết trong bài điếu văn tại lễ truy điệu.
Theo nguyện vọng chung là những gì mà lúc Đại tướng còn sống, chúng ta chưa làm thì nay đến lúc Đảng - Nhà nước - Nhân dân cần làm... Ý kiến chung qua phản ảnh thì Đảng - Nhà nước mà trực tiếp là Quốc hội theo quyền hạn của mình cần có quy định truy phong đặc cách hàm Nguyên soái và danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Đại tướng để thể hiện ông là người lãnh đạo quân sự cao nhất dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ.
Cha ông ta ngày xưa cũng đã từng phong danh hiệu Anh hùng dân tộc cho Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì thời đại Hồ Chí Minh truy phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàm và danh hiệu đó là vô cùng xứng đáng, hợp lòng dân và ý Đảng, tạo động lực, sức mạnh của sự cố kết, dời non lấp biển của cả dân tộc.
Trước đây có ý kiến luật và quy định không làm khác được, nhưng Quốc hội làm ra luật và có thẩm quyền sửa luật nếu luật không thuận với lòng dân. Nay lòng dân đã rõ, lúc này lòng dân còn cao hơn cả luật, bởi luật đúng nhất là luật đi vào được lòng dân.
Quốc hội của dân có đủ thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung khi mà lòng dân đã thuận và thuận theo lòng dân thì luật mới có sức mạnh, như vậy Nhà nước lại càng được sự đồng thuận của dân.
Trên tinh thần đó, thể theo ý nguyện nhiều tầng lớp nhân dân mà tôi tiếp cận được, mong rằng Đảng, nhà nước trên tinh thần “của dân, vì dân” làm toại nguyện lòng dân. Được lòng dân là được tất cả.
Kỳ họp Quốc hội sắp tới chắc sẽ có phút mặc niệm Đại tướng và sau đó nếu có một phiên họp để xem xét nhanh chóng những đề xuất này thì tin rằng đây sẽ là một kỳ họp để lại dấu ấn sâu sắc đối với toàn dân, thực sự đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.”
Theo Dân Trí