Đề nghị điều người từ nơi khác về làm ban giám hiệu mới

TP - Sáng 18/9, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hiếu Đằng đã có cuộc tiếp xúc với giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn và người “chạy trường” đứng ra tố cáo bà Trần Thanh Vân, nguyên Hiệu trưởng nhà trường.

Theo TTXVN, các giáo viên gồm: Nguyễn Thị Minh Thúy, Võ Hải Bình, Trần Minh Hùng và thầy Nguyễn Hữu Dũng là những người đại diện cho nhóm những giáo viên chống tiêu cực, đã cung cấp những bằng chứng về các sai phạm nghiêm trọng của bà Trần Thanh Vân như không minh bạch về tài chính; lạm dụng chức quyền vi phạm quy chế dân chủ cơ sở; làm trái quy chế Nhà nước trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, điều động giáo viên...

Đặc biệt, các nhân chứng này đã cung cấp danh sách 132 học sinh của ba lớp (lớp 11A7, 11A8 và 11 A9) tồn tại từ năm học 2005 – 2006 đến nay. Theo các giáo viên, học phí của ba lớp học “chui” này được thu rất cao, nhưng trả công cho giáo viên chỉ ở mức thấp nhất là 33.000 đồng/tiết.

Không những thế, bà Vân còn tổ chức cho các lớp học tăng tiết học để thu tiền (trái với quy định “không được tăng tiết” của Bộ GD&ĐT), với mức học phí là 600.000 – 700.000 đồng/học sinh/tháng.

Hành vi không minh bạch về tài chính của bà Vân và ê kíp được thể hiện trong việc không công khai các khoản thu chi công trình xây dựng dãy nhà D mặc dù đã đưa vào sử dụng từ năm 2004; dãy nhà C đã đưa vào sử dụng được 7 năm, nhưng đến nay vẫn thu tiền kích cầu từ 20.000 đồng/học sinh (hệ công lập) đến 50.000 đồng/học sinh (hệ bán công).

Các nhân chứng cho biết việc mua sắm các trang thiết bị của bà Vân là rất lãng phí, tốn kém nhiều tiền mà hiệu quả sử dụng rất thấp. Việc bà Vân cho gắn camera quan sát tại các lớp học, theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy chỉ là để “dọa” các giáo viên nào dám kích động học sinh chống tiêu cực...

Việc bà Vân tự ý điều động các giáo viên (thuộc phe “chống đối”) sang làm các việc không đúng chuyên môn và năng lực, hoặc phạt trừ lương đối với những giáo viên đi trễ, bỏ phiếu tín nhiệm Hiệu trưởng theo tổ (để dễ nhận biết ai là người “chống đối”)..., ông Lê Hiếu Đằng cho biết, đây là một hành vi, vi phạm nghiêm trọng quy chế dân chủ cơ sở.

Bà Vân trong vai trò vừa là Hiệu trưởng, vừa là Bí thư chi bộ đã thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay và vô hiệu hóa hoàn toàn vai trò của chi bộ và công đoàn như điều thầy Trần Minh Hùng, giáo viên dạy Vật lý bậc 7 và Thạc sĩ Toán Nguyễn Hữu Dũng sang làm giám thị; cô Nguyễn Thị Minh Thúy, giáo viên dạy Toán “bị” chuyển sang làm tại Thư viện điện tử của trường...

Xem xét đơn tố cáo của các nhân chứng, ông Lê Hiếu Đằng nhận định, vụ việc ở trường THPT Lê Quý Đôn không còn đơn thuần chỉ là nạn “chạy trường” mà là hàng loạt những tiêu cực trong khâu quản lý, điều hành được biểu hiện rất rõ.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh sự liên đới của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong toàn bộ những sai phạm của trường THPT Lê Quý Đôn.

Trong đó có việc Sở chưa thực hiện hết vai trò quản lý, để xảy ra việc tổ chức công khai 3 lớp “lụi” chất lượng cao trong trường mà không hay biết, hoặc cố tình bao che...

Trong cuộc gặp gỡ này, các giáo viên đã kiến nghị đến thành phố và các cơ quan chức năng: Điều tra những tiêu cực tại trường THPT Lê Quý Đôn không chỉ dừng lại ở việc điều tra vụ cô giáo Hòa nhận tiền của phụ huynh để chạy trường nữa;

Cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi sai trái của bà Hiệu trưởng Trần Thanh Vân.

Về việc tổ chức lại bộ máy điều hành trường THPT Lê Quý Đôn, để tránh những “phe cánh” của bà Vân tiếp tục “lộng hành”, các giáo viên đều kiến nghị: phải điều người từ nơi khác về để làm Ban Giám hiệu mới của trường...