Đề thi gồm 50 câu, được đánh giá đúng theo kết cấu của đề minh họa. Theo một số thí sinh, đề thi khá dài, nhiều câu hỏi khó, phân loại thí sinh cao.
Tại điểm thi của Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhiều thí sinh kết thúc môn thi với tâm trạng thoải mái.
Thí sinh Duy Anh (Hà Nội) cho biết, đề được phân chia thành 2 phần rõ ràng, 30 câu dành cho thí sinh trung bình cũng có thể làm được. Từ câu 30 đến câu 50 để phân loại thí sinh khá, giỏi với nhiều câu hỏi khó.
“35 câu đầu em làm chỉ mất 15 phút nhưng từ câu 36 trở đi thì thực sự khó. Câu dễ thì cực dễ nhưng câu khó thì chỉ dành cho học sinh giỏi mới làm được. Có nhiều câu thực sự em không tính ra, phải đành dựa may rủi", thí sinh Duy Anh chia sẻ.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Tuấn Đạt (Ninh Bình) cho hay, dù cố gắng, mình chỉ làm được trên 50%: “các câu về lý thuyết trong đề khá dễ nhưng có khoảng 10 câu em cho là cực khó. Đề này 5 điểm thì dễ nhưng để đạt 9-10 thì quá khó”.
Thầy Nguyễn Thành Sơn, tổ trưởng tổ Hóa (trường THPT Anhxtanh Hà Nội) cho biết, đề thi có 60% câu hỏi lý thuyết 40% bài tập tính toán. Phần hóa đại cương - vô cơ lớp 10 có 5 câu, phần hữu cơ lớp 11 có 10 câu, phần hóa vô cơ lớp 12 có 20 câu phần hữu cơ lớp 12 có 15 câu.
Cũng theo thầy Sơn nhận xét, đề có 30% các câu hỏi thuộc chương trình lớp 10, 11 và 65% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. 30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể làm được ngay nên học sinh trung bình dễ dàng đạt 5-6 điểm.
40% câu hỏi còn lại có mức độ khó tăng dần đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, trong đó có 5 câu (chiếm 10%) câu hỏi thực sự khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải.
“So với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn. Phần bài tập có độ khó tương đương. Đề thi đáp ứng được hai yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Với đề thi này, học sinh khá có thể được 8, 9 điểm. Điểm 10 sẽ khó khăn”- Thầy Sơn nhận định.
Thạc sỹ, thầy giáo Nguyễn Hoàng Lâm (Giáo viên Tuyensinh247.com, Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, HN) nhận xét: Đề thi ra đúng tinh thần chỉ đạo của Cục khảo thí, 30 câu đầu rất cơ bản, dành cho HS thi TN. Có sự phân loại rõ ràng hơn ở 20 câu sau. Đề bám sát chương trình, không có kiến thức mở rộng, có tích hợp thí nghiệm và kiến thức thực tế. Các câu khó bám sát đề thi minh họa do Bộ cung cấp, VD như câu 45,46,47 (của mã đề 357). Nhìn chung, các phương pháp giải toán thường dùng là bảo toàn electron, bảo toàn khối lượng, quy đổi… không mang tính chất quá đánh đố HS. Số câu khó phân phối đều cho 2 phần vô cơ và hữu cơ.