Để dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực

TP - Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai.

Việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng. Công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh thời gian qua cũng còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân do đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định. Vì thế, tại kỳ họp này QH lần đầu tiên thảo luận để tiến tới ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Trưng cầu ý dân chính là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.

Trên bình diện thế giới, theo ông Quyền, đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân cũng đã được các nước thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Quyền khẳng định, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước.