Đề cử ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ

TP - Chiều 6/4, với 84,6% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã đồng ý miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ là người được Chủ tịch nước đề cử làm Thủ tướng thay ông Nguyễn Tấn Dũng.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên các bạn thanh niên tham gia hiến máu ngày Chủ nhật Đỏ 2015 do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Quyết liệt và lắng nghe

Tại Tờ trình của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, căn cứ nội quy kỳ họp QH, Chủ tịch nước trình QH xem xét bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu QH khóa 13, giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo Tờ trình, ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tỉnh Quảng Nam, cử nhân kinh tế, lý luận chính trị cao cấp. Trong quá trình làm việc, ông Phúc đã đảm nhiệm các chức vụ như: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Khi ra Trung ương, ông Phúc đã đảm nhận các chức vụ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Phúc cũng là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII… “Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Tôi hy vọng Chính phủ mới, Thủ tướng mới, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ và không bao giờ chấp nhận một quốc gia tụt hậu”. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội

Nhận xét về ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đó là một con người giản dị, gần gũi, lắng nghe, quyết liệt và cũng rất hiệu quả. “Thời anh Phúc làm Chủ tịch tỉnh, Quảng Nam có Chu Lai, có du lịch Hội An, Cửa Đại… Điều đó thể hiện ông có tư duy đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế”.


Cũng theo ông Nguyễn Văn Phúc, khi làm Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện là một con người kỹ trị, có nền tảng, học hàm, học vị. “Anh Phúc được giao một trận địa nóng, phức tạp như an toàn giao thông, nội chính, buôn lậu, chống tội phạm…  Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và tạo ra sự chuyển động tích cực, nhất là trong lĩnh vực an toàn giao thông”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cũng cho hay, trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn có mặt ở những điểm nóng, gần gũi với nhân dân, có lối sống giản dị. “Phó Thủ tướng là người trưởng thành từ cơ sở, đã kinh qua công tác ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, nên tôi tin là ông có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để lãnh đạo, điều hành Chính phủ nhiệm kỳ tới”, ông Tâm nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng bên lề Quốc hội ngày 6/4.  Ảnh: Như Ý.

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, qua chất vấn cũng như trao đổi, ông nhận thấy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là  người hiểu khá rõ sự tụt hậu, yếu kém của đất nước có nguyên nhân từ thể chế. Lãnh đạo Chính phủ cũng nhận thấy cần phải có sự đột phá mạnh mẽ về thể chế. “Bản thân anh Nguyễn Xuân Phúc đã đi dự các chương trình quốc tế để trao đổi những vấn đề liên quan đến thể chế. Do đó, tôi tin rằng đây chính là một thế hệ lãnh đạo kỹ trị. Những lãnh đạo này đã tiếp cận chuẩn mực, tri thức quốc tế, từ đó sẽ vận dụng vào Việt Nam. Tôi hy vọng Chính phủ mới, Thủ tướng mới, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ và không bao giờ chấp nhận một quốc gia tụt hậu”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Cùng chung quan điểm trên, ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, tân Thủ tướng cần tập trung xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một “bà đỡ” để mọi người dân, mọi thành phần kinh tế phát huy hết khả năng, nội lực của mình. “Nếu được tạo mọi điều kiện để phát triển, người dân và các thành phần kinh tế sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, qua đó đóng góp thuế nhiều hơn cho Nhà nước. Đây chính là sự phát triển, đổi mới tư duy từ nhận thức tới hành động”, ông Thảo nói.

Đề cập đến phản ánh của cử tri rằng: “Có một bộ phận cán bộ công chức thường kêu lương thấp, nhưng lại giàu có với nhà lầu, xe hơi, con cái du học nước ngoài”, ĐB Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng bày tỏ mong muốn, tân Thủ tướng sau khi nhậm chức cần có giải pháp sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức hợp lý về số lượng. Từ đó có nguồn lực để tăng lương, tránh được tiêu cực. Theo ông Vinh, thành công hay thất bại đều là do con người, vì thế củng cố, sắp xếp lại bộ máy của các bộ, ngành và chính quyền địa phương là công việc đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đổi mới để làm sao tuyển chọn được những người có tài, có đức vào bộ máy.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì mong muốn Chính phủ, tân Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết vấn đề nợ công. Bởi đây là những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù vậy, ông Vẻ tin rằng, với một đội ngũ lãnh đạo Chính phủ có tài năng, trí tuệ thì những khó khăn, hạn chế, yếu kém trên sẽ dần được giải quyết. Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực.