Đề án đường bay thẳng: Hành lang kinh tuyến 106 bằng phẳng hơn

TP - Theo dõi các ý kiến xung quanh đề án đường bay thẳng Hà Nội-TP Hồ Chí Minh dọc kinh tuyến 106o đông, chúng tôi thấy đề án này còn có một ưu thế nữa là địa hình dưới mặt đất so với đường bay hiện hành.

>> Thêm đường mới, không bỏ đường cũ

Trên góc độ chuyên môn về mặt đo đạc bản đồ, tôi xin cung cấp một số tư liệu về địa hình dọc theo kinh tuyến 106o – 107o và 108o đông nằm trong phạm vi hành lang của tuyến bay bắc-nam hiện tại cũng như ý tưởng đề xuất về đường bay vàng để các cơ quan, và các nhà khoa học tham khảo. Đây là nguồn tư liệu của Cục Đo đạc&Bản đồ Nhà nước in năm 1979 trên bản đồ tỷ lệ 1/500.000

Nếu theo đường kẻ về đường bay hiện nay theo hướng bắc nam từ HN tới TPHCM, tính từ vĩ tuyến 17o20/ bắc vào tới vĩ tuyến 12o bắc (tức là chiều ngang Vĩnh Linh kéo xuống Đà Lạt, Đắc Nông), tuyến bay hiện tại nằm giữa kinh tuyến 107o và 108o đông, dọc theo dãy Trường Sơn có rất nhiều đỉnh núi cao trên 1.000m so với với mặt biển, có tới 15 ngọn núi cao trên 1.500m, có ba ngọn núi cao trên 2.000m. Đỉnh cao nhất là Ngọc Linh 2.598m được coi là nóc nhà của Trường Sơn.

Nếu kẻ theo kinh tuyến 106o đông cũng từ vĩ tuyến 17o20/ xuống vĩ tuyến 12o bắc tính từ biên giới Việt Lào, địa hình phía tây kinh tuyến 106o là đồng bằng bên phía sông Mekong chỉ có hai ngọn núi cao dưới 1.500m. Phía đông kinh tuyến 106o giáp với kinh tuyến 107o đông chỉ có sáu ngọn núi cao trên 1.500m

Như vậy, dọc theo tuyến 106ođông, địa hình bằng phẳng và ít núi cao hơn hành lang giữa 107o đông và 108o đông (là tuyến bay hiện nay từ Đà Nẵng trở vào TPHCM).

Vì dãy Trường Sơn án ngữ, gió biển đưa hơi nước vào nên phía đông Trường Sơn giữa kinh tuyến 107ođông và kinh tuyến 108o đông thời tiết hàng năm mưa bão, giông tố nhiều hơn...

Nhìn lên bản đồ mà nhớ lại nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu: “Trường Sơn Tây anh đi/Thương em bên ấy mưa nhiều...”.

Chúng tôi được biết các vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ cũng đang quan tâm và có ý kiến chỉ đạo xem xét vấn đề này. Năm xưa bạn cho ta mượn đất để cho quân đi phía Tây Trường Sơn vào giải phóng miền Nam. Bây giờ nếu ta bay trên không phận của bạn và theo cơ chế thị trường, trả tiền cho bạn như đề nghị của cựu phi công Mai Trọng Tuấn (có thể bạn cùng dùng chung), lẽ nào bạn khước từ. 

 Phạm Quang Huy
(Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam)