Đẩy xe lăn vài tiếng xin được tiền triệu, Đà Nẵng xử lý ra sao?

TPO - Nhiều trường hợp đưa theo người khuyết tật, trẻ em đến nơi đông đúc, đánh vào lòng thương của người dân để xin ăn, bán hàng rong tại Đà Nẵng.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 4/1, Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, TP Đà Nẵng) cho hay vừa xử lý hàng chục trường hợp lang thang, xin ăn trên địa bàn.

Những đối tượng này thường đến những nơi đông người chợ như Cẩm Lệ, chợ Bắc Mỹ An, chợ An Hải Bắc…

Người đàn ông đẩy theo cụ bà xin ăn biến tướng ở chợ Cẩm Lệ.

Để dễ xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong, những người này đẩy theo xe lăn chở người khuyết tật hoặc đi cùng trẻ em. Đáng nói những người khuyết tật, trẻ nhỏ này không phải là người thân của các đối tượng.

“Có người đàn ông gần 40 tuổi đẩy theo cụ bà khuyết tật ngồi trên xe lăn đi quanh chợ Cẩm Lệ để xin ăn biến tướng. Chỉ vài tiếng đồng hồ đã xin được tiền triệu. Trung tâm lập biên bản, đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để quản lý, chăm sóc”, đại diện trung tâm cho hay.

Vị này cho biết thêm, các đối tượng này hầu hết là người từ các địa phương khác đến. Trong thời điểm trước và sau Tết dương lịch, đơn vị đã phát hiện 2 người lang thang xin ăn, 2 người đưa theo người khuyết tật bán hàng rong và 2 người khuyết tật bán hàng rong kết hợp xin ăn. Tất cả được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tạm thời.

Ngoài ra còn phát hiện 19 đối tượng là người mang theo trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong và đã vận động họ về lại địa phương nơi cư trú. Thông qua đường dây nóng (02363550550), trung tâm tiếp nhận, xử lý một số trường hợp người tâm thần lang thang, xin ăn.

Nhiều trường hợp dẫn theo trẻ em để xin ăn biến tướng, bán hàng rong kiếm được số tiền khá lớn.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng thực hiện chương trình thành phố “5 không”, trong đó không có người lang thang xin ăn. Các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng tại các địa điểm du lịch, khu vui chơi, khu mua sắm, bệnh viện, chợ, chùa, nhà ga, bến xe…Lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát, thống kê cụ thể thông tin về các đối tượng này.

Đặc biệt chú ý những người bán hàng rong, hình thức buôn bán, nhất là có trẻ em đi kèm và kiểm tra xem có tình trạng chăn dắt trẻ em hay không. Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi thực hiện xin ăn, xin ăn biến tướng.

Thành phố cũng vận động các nhà hàng, quán ăn ký cam kết không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách.

Đà Nẵng nghiêm cấm lợi dụng trẻ em, người khuyết tật bán hàng rong để xin ăn.

Theo Trung tâm Công tác xã hội, năm 2024 đơn vị đã kiểm tra, xử lý 487 trường hợp người lang thang, xin ăn. Trong đó có hơn 100 trường hợp lập hồ sơ chuyển vào Trung tâm bảo trợ xã hội, 40 người chuyển vào Bệnh viện tâm thần, gần 200 trường hợp là người khuyết tật và mang theo trẻ em bán hàng rong tại khu vực cấm được vận động về địa phương nơi cư trú.