Dạy trực tuyến SGK lớp 1 mới, giáo viên lo vỡ trận

TP - Năm học mới 2020-2021, toàn quốc triển khai thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình GDPT 2018). Lần đầu dạy SGK mới nên giáo viên, nhà biên soạn sách lo lắng sẽ không hoàn thành được mục tiêu mà chương trình đưa ra nếu dạy trực tuyến để phòng dịch COVID-19.
Giáo viên, học sinh lớp 1 năm nay sẽ gặp khó khăn nếu phải dạy và học trực tuyến

Cô Ngô Thị Hiền, giáo viên tại một trường tiểu học ở Hà Nội, cho rằng, giáo viên lớp 1 năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải tiếp cận những điểm mới trong chương trình và SGK; nhiều bài học trong sách chưa được kiểm chứng bằng thực tế kết quả học tập của học sinh. Theo cô Hiền, ở tiểu học, giáo viên lớp 1 vất vả nhất vì không chỉ dạy mà còn phải dỗ do học sinh mới từ bậc mầm non lên. Cô Hiền chia sẻ, trường cô đã chọn SGK tiếng Việt  của bộ sách Cánh Diều.

Khi được tập huấn về sách và tiếp xúc trực tiếp với sách, cô nhận thấy chương trình học mới “chạy nhanh” hơn chương trình cũ. Ví dụ, hết học kỳ I, SGK mới đã yêu cầu học sinh phải đọc được đoạn văn dài. Với môn Toán, SGK cũng có nhiều nội dung mới mà chính giáo viên cũng chưa được trải nghiệm. Với SGK lớp 1 năm nay, dạy trực tuyến thực sự là một trở ngại không nhỏ với học sinh và giáo viên, cô nhận định.

Trong khi đó, đứng ở góc độ nhà biên soạn sách, PGS.TS Phan Doãn Thoại, chủ biên môn Toán của bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực, cho rằng, lớp 1 vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ mầm non lên, môi trường, phong cách, phương pháp học thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, học sinh phải được giáo dục trực tiếp để tương tác với thầy cô. Hơn nữa, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh lớp 1 tư duy thông qua trực quan cụ thể, được nhìn, được sờ và kết hợp với nghe. “Tôi không tin là sẽ thành công khi dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 dù là dạy với SGK cũ”, PGS.Thoại nói.

Theo ông, chương trình GDPT 2018, SGK mới hiện nay tạo điều kiện để giáo viên dạy học được dễ dàng. Yêu cầu của chương trình mới là SGK phải đạt được hoạt động hóa việc dạy học. Học sinh tiếp thu kiến thức thông qua các hoạt động. Hoạt động tư duy với lớp 1 đòi hỏi phải kết hợp với các hoạt động bên ngoài, hoạt động tay chân, quan sát, tương tác với bạn bè, thầy cô. 

Có nghĩa là học sinh tự học dưới sự điều khiển của giáo viên để thực hiện các hoạt động. Điều này tạo cho học sinh kỹ năng cần thiết nhưng đồng thời cũng sẽ là rào cản nếu phải học trực tuyến. “Học sinh được học hợp tác, tự hoạt động để thực hiện những nhiệm vụ học tập của mình. Điều này chỉ có được khi dạy trực tiếp, không có ở trực tuyến”, ông Thoại nói.

Giáo viên không lo “vừa chạy vừa xếp hàng”

Trước băn khoăn của giáo viên, nhà biên soạn SGK lớp 1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ  Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), khẳng định, nếu vì dịch bệnh phải triển khai học trực tuyến thì không chỉ giáo viên mà học sinh đều rất lo lắng. Đây là một việc khó và ngoài ý muốn của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, trong triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có lưu ý việc này. Giáo viên làm thật tốt với tâm thế sẵn có. Ví dụ, giáo viên dạy lớp 1 đã được phân công công việc từ sớm, thường từ học kỳ 2 của năm học 2019-2020. Họ cũng đã tìm hiểu chương trình GDPT 2018. Tâm thế của giáo viên lớp 1 rất sẵn sàng, tự tin nếu không có dịch xảy ra.

Ông Tài cho rằng, trong tình huống dịch xảy ra diện rộng, phải cách ly xã hội, phải học trực tuyến, các nhà trường, giáo viên vẫn có thuận lợi. Đó là từ học kỳ II năm học trước, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư về học trực tuyến.

Đây là hành lang pháp lý để nhà trường quản lý. Trong đó, thông tư có quy định các điều kiện triển khai về cơ sở vật chất, chuẩn phần mềm đảm bảo yêu cầu tương tác với học sinh, đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho người học. Các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ phần mềm bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu này của Bộ GD&ĐT.

Sau khi nhà trường lựa chọn, giáo viên được tập huấn phần mềm trước  khi thực hiện. “Có thể nói, giáo viên không còn vừa chạy vừa xếp hàng như khi dịch COVID-19 bùng phát giai đoạn 1. Đồng thời, thông tin các tính năng của phần mềm phải được chuyển tải đến học sinh để các em biết cách sử dụng”, ông Tài nói. Ông khẳng định, ngay khi bắt đầu thực hiện khung kế hoạch thời gian năm học, tất cả các trường đều phải thực hiện yêu cầu của thông tư. Đó là dạy học trực tuyến là nhiệm vụ thường xuyên.