Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến Thông tư quy định khung lợi nhuận của nhà đầu tư dự án đường bộ thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP, hợp đồng BOT). Đây là lần đầu tiên có quy định về mức trần lợi nhuận cho nhà đầu tư, còn lâu nay lợi nhuận do cơ quan nhà nước và nhà đầu tư tự đàm phán với nhau.
Mức lợi nhuận dự kiến của Bộ GTVT đưa ra dự theo mô hình quốc tế (mô hình CAPM) tính toán lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư, sau đó so sánh với chi phí vốn bình quân theo lãi suất vay dài hạn của các ngân hàng.
Theo đó, dự thảo đưa ra lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa 15,2% cho dự án BOT đường bộ qua đấu thầu.
Với dự án BOT chỉ định nhà đầu tư, do đã được ưu tiên không đấu thầu nên tỷ suất lợi nhuận Bộ GTVT đề xuất bằng mức lãi suất vốn vay dự án. Hiện lãi suất vay dài hạn bình quân của 3 ngân hàng cổ phần nhà nước Vietcombank, BIDV, Vietinbank là 10,6%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trên có thể thay đổi, cập nhật theo biến động của thị trường lãi suất vốn vay.
Theo Bộ GTVT, đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) thực hiện từ năm 1997 tới nay, cả nước đã có 336 dự án, tổng số vốn huy động hơn 1,6 triệu tỷ đồng.
Trong lĩnh vực giao thông có 67 dự án BOT, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bình quân chỉ 13,7%, vốn vay chiếm tới 86,3%. Tuy nhiên, chưa có quy định về mức lợi nhuận của nhà đầu tư, mà chủ yếu được xác định qua đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Do hợp đồng này không được công bố, nên mức lợi nhuận cụ thể bao nhiêu chỉ có nhà đầu tư và cơ quan nhà nước biết.
Theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP năm 2020, các dự án theo hình thức này phần vốn nhà đầu tư tự có phải tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án.