Ông Thắng cho rằng, Quảng Nam khẳng định một nhà máy thép với công suất 180.000 tấn/năm không gây ô nhiễm môi trường là điều không đúng. Bởi thép phế liệu ngay từ đầu vào (phế liệu) đã ô nhiễm và chứa nhiều chất độc hại. Để có 200 – 500 tấn/ngày nguyên liệu đầu vào không phải là chuyện dễ. Thép phế liệu chủ yếu từ chiến tranh, sau mấy chục năm nguồn nguyên liệu nay đã cạn, các nhà máy phải nhập phế liệu từ nước ngoài vào, độc hại là khó kiểm soát. Tuy nhiên đánh giá tác động môi trường hiện nay không đánh giá đến việc này. Đơn cử tại cảng Hải Phòng có các lô hàng thép phế liệu nhập về nay đã bị chủ hàng “chạy làng” và vô tình chúng ta biến thành bãi rác, chứa rác cho các nước khác.
Thép phế liệu ngay từ đầu vào (phế liệu) đã ô nhiễm và chứa nhiều chất độc hại. Để có 200 – 500 tấn/ngày nguyên liệu đầu vào không phải là chuyện dễ. Thép phế liệu chủ yếu từ chiến tranh, sau mấy chục năm nguồn nguyên liệu nay đã cạn, các nhà máy phải nhập phế liệu từ nước ngoài vào, độc hại là khó kiểm soát. Tuy nhiên đánh giá tác động môi trường hiện nay không đánh giá đến việc này.
Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng
Ông Thắng phân tích, nhà máy thép bao giờ cũng có khói, bụi, tiếng ồn tức đã gây ô nhiễm. Nếu di dời nhà máy thép Việt Pháp từ Điện Bàn lên Nam Giang là di dời ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên việc di dời này là hết sức nguy hiểm bởi vị trí đặt nhà máy sẽ cạnh lưu vực thượng nguồn của một dòng sông lớn. Khói bụi đang nóng từ nhà máy thải ra gặp gió sẽ đẩy đi bao trùng lên lưu vực thượng nguồn của dòng sông, sau đó rơi xuống núi rừng, từ đó sẽ chảy về sông Vu Gia, rồi chạy về Đà Nẵng và Cửa Đại. Chất lượng nguồn nước chắc chắn ảnh hưởng là vì thế. “Quảng Nam và nhà máy nói không xả thải gây ô nhiễm nhưng rõ ràng nhà máy gây ô nhiễm khói và bụi. Khói bụi sẽ khuyếch tán, làm kiểu gì rồi cuối cùng cũng ô nhiễm nguồn nước”.
Ông Huỳnh Vạn Thắng.
Theo ông Thắng, riêng chuyện Quảng Nam nói không tham khảo ý kiến của Đà Nẵng trong việc này là đã có vấn đề, cần xem lại. Bởi, nguồn nước chính của Đà Nẵng là sông Vu Gia, nay đã bị thủy điện Đăk Mi 4 chặn lại, ảnh hưởng đến số lượng nguồn nước. “Nếu di dời nhà máy thép lên Nam Giang, nghĩa là đang di chuyển ô nhiễm từ vùng ít chịu ảnh hưởng lên vùng có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn.
Xa hơn, lại sắp hình thành hẳn một cụm công nghiệp tại lưu vực thượng nguồn sông Vu Gia này, thì mức độ ô nhiễm sẽ rất lớn. Tác động và ảnh hưởng của nguồn nước sẽ âm ỉ, lâu dài, ảnh hưởng đến từng người dân trên phạm vi rộng và không thể nào khắc phục nổi. Do đó cần xem xét đúng bản chất của vấn đề. Nếu không, thế hệ con cháu sẽ phải gánh chịu hậu quả. Quảng Nam cần tính toán, đánh giá lại, không nên vội vàng!”, ông Thắng khẳng định.
Vị chuyên gia này cũng thắc mắc, việc nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm khói bụi, sao không dành tiền để đầu tư công nghệ, dây chuyền và xử lý ô nhiễm lại đi di dời. Trong khi Quảng Nam có nhiều khu công nghiệp ở phía đồng bằng, sao không di dời lại mang lên lưu vực thượng nguồn của một dòng sông? Việc di dời tốn thêm 120 tỷ tiền ngân sách trong khi tỉnh này đang nghèo là việc làm khó giải thích?
Người dân thôn Hoa (Nam Giang) lo lắng về việc xây dựng nhà máy sẽ gây ô nhiễm bởi hiện tại họ đang bị “tra tấn” bởi khói bụi của nhà máy xi măng Xuân Thành gần đó. Ảnh: Nguyễn Thành.
TS Nguyễn Đình Huấn, Phó trưởng khoa Môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng, quá trình sản xuất sẽ thải khói bụi rất nhiều. Sợ nhất là khói bụi của nhà máy sẽ tích tụ và rơi xuống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Ngoài ra, chất thải từ nhà máy sẽ không được phép chôn lấp và phải có đơn vị có chức năng xử lý chất thải này. Do đó, cơ quan chức năng cần giám sát kỹ việc này, không để tái diễn việc chở rác thải đi chôn lấp khắp nơi như từng xảy ra ở Formosa Hà Tĩnh. Do đó, việc di dời nhà máy lên phía thượng nguồn phải tính toán và đánh giá tác động kỹ càng.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng cho biết: Việc đặt nhà máy phía thượng nguồn sông Vu Gia là mối nghi ngại chính đáng, bởi nguồn nước của sông Vu Gia là nguồn cung cấp nước chính cho nhà máy nước Cầu Đỏ (cung cấp 99% nước cho Đà Nẵng). Hiện nay, vào mùa nắng, nhà máy nước Cầu Đỏ đang thiếu nước trầm trọng vì lưu vực sông Vu Gia đã bị các nhà máy thủy điện chặn dòng, khiến nước sông nhiễm mặn. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm từ nhà máy thép sẽ tác động và hậu quả sẽ lâu dài và rất khó khắc phục.
Ngày 13/10, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong qua điện thoại khi hỏi về quan điểm của Đà Nẵng về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: Hiện, thành phố đang giao cho sở TN&MT cùng ngành chức năng, phối hợp nghiên cứu, xem xét đánh giá tác động môi trường của việc di dời này đối với nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia. Nếu thấy có vấn đề, UBND TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục có ý kiến.