Đất… đi

TP - Ngồi với Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển Cà Mau trên lầu 2 của trụ sở UBND xã cứ có cảm giác là lạ. Cái câu của thi sĩ Xuân Diệu thoắt ập về trí nhớ “Tổ Quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”; Mà con tàu này lại đang đi. Lạ là có cảm giác dưới chân mình, đất đang đi, đang chuyển…

Đã dợm sẵn cảm giác mình sẽ được ngồi với một vị chủ tịch xã nơi chót cùng Tổ quốc với dáng vậm vạp chất giọng rổn rảng, gì nữa nhỉ, hơi bặm trợn chút… Nhưng trật lấc. Võ Công Trường người hơi đậm chút nhưng vóc dáng lanh lẹ chất giọng vang vừa đủ. Nói tóm lại tướng tá ngon lành. Ngon nữa vị này là thạc sĩ kinh tế…

Lại thêm cung cách làm việc bài bản. Tấm bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã Đất Mũi khá hoành tráng và chi tiết với màu sắc bắt mắt chĩnh chện trên tường. Tấm bản đồ này được Phân viện Quy hoạch Nông thôn Miền Nam thuộc Bộ Xây dựng trực tiếp thực hiện.

Lặp lại thói quen biên chép để mong lưu lại những hữu hình của bức tranh nhiều mảng sáng của một địa phương cùng trời cuối đất nước Việt.

Hơi giật mình bởi từng thường nghĩ rằng ở các vùng biên viễn vùng sâu nơi xa này khoản chi bao giờ cũng trội hơn thu. Ở xã Đất Mũi không có tình trạng này. Tỷ lệ hộ nghèo trong phạm vi kiểm soát, khống chế. Nạn dùng xung điện chất độc để đánh cá cơ bản đã dẹp yên.

Trường trung học cơ sở Đất Mũi 1690/1779 học sinh được lên lớp.

Có 611.634 lượt khách tham quan Đất Mũi tăng 269.449 người so với cùng kỳ. 181/198 cơ sở kinh doanh dịch vụ được lắp đặt mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Rồi 36/36 cán bộ đảng viên công chức thường xuyên sử dụng dịch vụ này.

Mới khánh thành tuyến đường mới Lạch Vàm của Đất Mũi có hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Ở những vùng miền khác, cột cờ cùng lá cờ Tổ Quốc chưa được nhắc nhớ nhiều. Nhưng ở xã Đất Mũi phong trào Tự hào cờ Tổ quốc do Đoàn Thanh niên xã phát động duy trì như luôn mang lại thứ sinh khí mới. Vừa mới khánh thành tuyến Đường cờ Tổ quốc tại Ấp Mũi, Cồn Mũi, điểm chót tận cùng với 280 cột cờ. Năm ngoái tạo dựng gần 700 cột cờ.

Đất Mũi đẹp giàu

Tôi nhớ mình chưa kịp hỏi về một hình thức thi độc đáo ở xứ này. Đó là Ngày thi “Ẩm thực Đất Mũi”. Tôm cua Cà Mau thì nổi tiếng rồi. Nhưng ngay tại Đất Mũi này, còn có thứ đặc sản hơn. Có 1 HTX nuôi cái giống cày vòi hương Mũi Cà Mau đã xuất chuồng 31 con, thu khá bộn tiền.

Nhớ năm xa ấy anh bạn làm ở công trường xây dựng Khí Điện Đạm Cà Mau dắt cả tốp nhà báo về quê ở Ấp Khai Long. Cái ấp nghèo thèo đảnh của Đất Mũi có cái tên hoành vậy, bởi tương truyền thuở ông bà hành phương Nam mở cõi lập ấp, khi trẩy ngang xứ này thấy một cặp rồng lớn tự dưng xuất hiện tỏa sáng một góc trời.

Khai Long thuở ấy chưa có Khu du lịch sinh thái hoành tráng. Ấn tượng là cả lũ phải chui vô chiếc mùng tuyn rộng rinh. Để làm chi? Để nhậu vì muỗi quá trời muỗi! Mặc dù đã có ba đống un nhóm bằng trấu với lá. Vậy mà thứ muỗi miệt vườn cứ ràn rạt.

Tổng biên tập Lê Xuân Sơn (trong chuyến làm việc cuối cùng trước thời điểm nghỉ hưu) với Chủ tịch xã Đất Mũi Võ Công Trường tháng 4 năm 2024

Đêm qua mất ngủ trời nóng. Cái máy lạnh ở Khu sinh thái lại trục trặc. Nửa đêm ra ghế đá ngồi ngạc nhiên để ý thấy không có muỗi. Giờ nghe chuyện của Công Trường, huyền thoại “đỉa lội lềnh bềnh tựa bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi” đã thưa vắng dần xứ này. Buổi trưa kiểm chứng bằng vài lối sải theo chân mấy anh em nhân viên rừng quốc gia qua rừng đước xuyên qua bãi bồi Đất Mũi. Tò mò khuấy một khúc mương chẳng thấy con đỉa nào? Có thể các thứ thuốc trừ muỗi và cả thuốc bảo vệ thực vật nào đó (có kiểm soát và chưa) khiến thứ côn trùng đỉa muỗi đã dẹp bớt?

Chuyện với vị thạc sĩ kinh tế này, có cảm giác lắm thứ sinh sắc ngoài địa hạt an sinh xã hội của “tầm” một chủ tịch xã?

Như cái phần “âm” của Đất Mũi chẳng hạn.

Võ Công Trường đương nói về cái Bãi Bồi mũi Cà Mau phía Tây Ngọc Hiển mà xã Đất Mũi vinh dự chiếm một diện tích hoành tráng!

Do ảnh hưởng hệ thống dòng chảy của Biển Đông và dòng chảy của biển Tây cùng sự góp phần của 2 con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Bảy Háp đã hình thành nên vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau nằm ở phía tây huyện Ngọc Hiển. Mỗi năm, nhờ phù sa bồi đắp, vùng đất Bãi Bồi lấn thêm ra biển gần 100 mét. Đất lấn biển tới đâu thì cây mắm cây đước tiên phong cắm chặt. Nghĩa là đất đi, rừng cũng đi theo.

Tôi để ý đến tổ hợp tượng đài đơn sơ nhưng toát yếu nhiều nghĩa. Chất mộc mạc của đất rừng phương Nam của miệt Cà Mau của Đất Mũi dường như xa lạ với những điêu ngoa vẽ vời rối rắm của điêu khắc? Chỉ mô phỏng một con thuyền đi lộng kèm một mảng xi măng dung dị ghi thông số Mũi cực Nam.

Cái năm xa mình ra đây, tổ hợp tượng đài cách mí nước biển chỉ vài mét nay biển đã tít xa? Đã bao nhiêu mét phù sa âm thầm tày tặn “đi” dưới chân mình?

Trời lóa nắng nhưng ngó ra biển vẫn hiển hiện một vệt hồng hồng. Cái ngấn phù sa của Tạo hóa đương mở cõi cho Đất Mũi đấy! Máy ảnh kỹ thuật số dường như bất lực khó ghi. Ước chi lúc này có cái Flycam choán, chiếm được toàn bộ cái vệt hồng hồng mênh mông kia, cái bào thai bấy bớt của Đất Mẹ vừa sinh thành. Hay có con thuyền nào khuấy nhẹ vài nhát để ra mà nắm ngó sục tay vào cái hình hài bấy bớt ấy? Bao nhiêu là những hạt phù sa của những con sông mạn Bắc thao thiết ra bể Đông rồi gửi về Nam? Tôi mang máng trong cái ngấn phù sa kia, thứ sinh quyển màu nhiệm đã ký gửi đã găm, đã ém những bào thai của giống mắm, giống đước. Chỉ đợi ngấn phù sa mỡ màu ấy se se một chút là cái giống mắm như một cuộc hôn phối vĩ đại, nội chỉ một đêm thôi tức thì bật lên những mầm tua tủa sắc tím hồng. Những mầm những tăm ấy không cô đơn mà chỉ ít ngày sẽ được chở che ôm ấp bện quện của những mầm đước. Sự màu nhiệm của Tạo hóa ấy như cái cách ơn riêng ban cho xứ đất mặn mòi này. Giờ lại thêm phong trào trồng đước, gây mắm bằng mầm bằng hạt của Đoàn thanh niên Đất Mũi Cà Mau để rộng để dài mãi ra sắc xanh của dặm dài hình hài Tổ Quốc.

Ngăm ngó mãi cái sự sinh thành cùng sinh tồn ngoạn mục bện quện quấn quýt ấy, có một lúc tôi suýt buông ra cái câu với cô bé hướng dẫn viên Đất Mũi Bãi Bồi rằng,… có lẽ tỷ lệ ly hôn ở xứ này hình như… thưa hơn các vùng miền khác? Bởi sự ôm ấp thủy chung - phép màu Giời cho ấy- chắc hẳn cũng phải công bằng ban phát lây lan cho cái giống… người?

Hiến dâng cho đời hình như giống đước nhiều công dụng hơn mắm? Nội chỉ mươi mười lăm năm những thân những nhánh đước đã được để mắt tới có thể khai thác được rồì. Thôi thì vô số công dụng. Chẳng hay ngạch lâm sinh xếp đước vào loại gỗ nhóm mấy? Cái thứ thụ mộc chả ngâm tẩm gì cứ đanh chắc, đám mối mọt chỉ nhìn mà khóc. Nhớ thêm nhà lão bạn họa sĩ ở Hà thành. Lão công phu thửa một mớ đước từ đất rừng phương Nam ra chế thành bức tiền cảnh hơi bị hoành. Làm nên thứ ngoạn mục ấy chính là những mắt mấu tạo nên con mắt đước, điểm nhấn, điểm nhãn sinh sắc của bức hoành tiền cảnh!

Khoát tay lên những chùm rễ đước lòa xòa, chủ tịch Võ Công Trường bất ngờ buông câu rằng, có lẽ với tốc độ hành tiến, tốc độ “đi” của phù sa Bãi Bồi này, vài trăm năm nữa, không, mà phải ngàn năm nữa, Mũi Cà Mau sẽ nối liền với quốc gia Mã Lai!?

Thú thực khi ấy, nghe vậy tôi cũng chỉ mang máng vì đương bận thừ người ra bởi chưa tường hết cái sự màu nhiệm như huyền thoại ấy.

(Mãi khi về Hà Nội, chuyện thêm với một ông bạn già vốn là chuyên gia địa chất thì cái Bãi Bồi phía Tây huyện Ngọc Hiển trong đó có Đất Mũi của Võ Công Trường nó sẽ được chia ở thì tương lai xa như này.

Nhà báo thử tưởng tượng nhé. Nếu mỗi năm mũi Cà Mau dài về phía nam gần 500 m thì cần gần 800 năm nữa mũi Cà Mau sẽ nối liền với bán đảo Malaysia. Quãng thời gian dằng dặc ấy đủ độ cho cuộc biến cải thương hải tang điền (bãi bể thành nương dâu). Cuộc “thương hải đước điền” này nghe có vẻ thăm thẳm vời vợi? Nhưng thử nhắm mắt cố để cho trí tưởng tượng bay bổng chút nhé!

Nó là thế này. Lấy cái mốc Thái sư Trần Thủ Độ, nhân vật chính yếu của thể chế nhà Trần thuở ấy đương tất bật với công cuộc cải cách chính trị, hành chính (năm 1193). Rồi những dằng dặc lẫn nhoáng nhoàng, tính tiếp từ năm 24 của thế kỷ 21 bây giờ trở lại thời Trần Thủ Độ thì sẽ ra số năm Đất Mũi Cà Mau nối với đất Mã Lai!

Chao ôi. Thăm thẳm, diệu vợi quá đi. Nhưng dù gì, thì Đất Mũi của Cà Mau vẫn đương hành tiến!)

Nhớ ngày trước đọc Nguyễn Tuân, thấy ông ao ước tưởng tượng ngày hòa bình thống nhất gặp lại bà má Năm Căn vai đeo bị bàng đựng trái đước từng tiễn người thân đi tập kết. Tôi không nom thấy trái đước nhưng đã kịp mua vài bó đũa chuốt từ thân đước. Thứ đũa đước già chả phải ngâm tẩm gì đen cứng, bóng lưỡng như sừng. Thoáng nghĩ đến thứ đũa na ná chuốt từ gỗ mun nâng đằm tay mà các cụ xưa quý lắm…

Lẩn thẩn gẫm thêm, hình như thứ đước chuốt đũa này là cái giống đước bật mầm từ cái năm 1958 nhà văn Nguyễn Tuân những khuâng khuâng nhung nhớ rồi hạ bút viết những dòng về đước Cà Mau?

Thành quả gần một hoa giáp của giống đước di chuyển cùng lộ trình của phù sa Đất Mũi rồi còn gì? Mà mỗi năm trung bình Đất Mũi nhao và “đi” ra biển 100 mét ấy.