Khi sản xuất, phải có đầy đủ tài liệu kỹ thuật, công nghệ. Công nhân ngoài được đào tạo bài bản, các kỹ năng an ninh, an toàn phải thực hiện đúng theo tài liệu công nghệ đó. “Do không phải là sản phẩm pháo hoa nổ nên nguyên liệu dành cho sản xuất sản phẩm pháo hoa dân dụng an toàn hơn. Đây là sản phẩm có hiệu ứng cháy, an toàn hơn từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất, cất trữ, bảo quản”, thượng tá Mạnh nói.
Theo thượng tá Mạnh, trong thời gian ngắn kể từ khi Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực, việc sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân là khó. Trong quá trình sản xuất vừa phải đáp ứng công việc, vừa hoàn thành công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm vừa phải thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm. Theo quy định, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp quân đội đủ điều kiện an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, có phương án được cơ quan công an cấp phép mới được kinh doanh pháo hoa. Đến nay, chỉ có Nhà máy Z121 đáp ứng được điều kiện kinh doanh pháo nổ và pháo hoa không nổ.
Về hướng tiêu thụ các loại pháo hoa dân dụng, thượng tá Mạnh chia sẻ, nhà máy đang xây dựng hai kênh phân phối. Trước mắt, có 2 đơn vị quân đội (Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng và Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Viettel) đang triển khai đăng ký ngành nghề kinh doanh pháo. Cả 2 công ty này đã ký hợp tác với Nhà máy Z121 với vai trò là kênh phân phối sản phẩm pháo hoa. Các công ty này có năng lực trong lĩnh vực kinh doanh, có hệ thống dịch vụ tốt khi đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn và có hệ thống dịch vụ tốt.
Nhà máy Z121 đã mở 26 điểm bán hàng tại 6 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc. Việc mở các cửa hàng bán các sản phẩm pháo hoa đều lấy tư cách pháp nhân của Nhà máy Z121. Nhà máy cũng đang phối hợp Bộ chỉ huy quân sự một số tỉnh, thành thuê địa điểm mở cửa hàng giới thiệu, bán các sản phẩm. Hệ thống cửa hàng sẽ được thông tin trên website của nhà máy.
“Dù biết nhu cầu thị trường rất lớn nhưng tại thời điểm này, nhà máy chưa thể triển khai bán hàng trên tất cả các tỉnh, thành. Để triển khai thủ tục cấp phép từ mở cửa hàng, an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ là cả một quá trình. Chúng tôi sẽ cố gắng tập trung cao nhất cho sản xuất để đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường. Hơn nữa, đây là những sản phẩm mới nên cũng là dịp để chúng tôi đánh giá nhu cầu khách hàng để có quy hoạch định hướng phát triển lâu dài. Thời gian mở bán sản phẩm pháo hoa dân dụng dự kiến trước Tết Nguyên đán năm nay”, thượng tá Mạnh thông tin.
Cần kiểm soát, tránh lãng phí
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho phép đốt pháo hoa sẽ đem lại một số lợi ích kinh tế như tạo ra thị trường tiêu thụ pháo hoa, tạo ra công ăn việc làm, tăng màu sắc cho đám cưới, hội nghị, đáp ứng được một phần nhu cầu về tinh thần của người dân. Theo ông Phong, trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc cho đốt pháo hoa đáp ứng yêu cầu việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; tuy nhiên, đốt pháo hoa nhiều quá cũng sẽ gây lãng phí. PGS - TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cũng cho rằng, không nên lạm dụng đốt pháo hoa quá nhiều.
Long Vân