> Sẽ báo cáo Quốc hội về thủy điện Sông Tranh 2
Trong khi người dân bất an thì các cơ quan có trách nhiệm nên có động thái như thế nào, thưa ông?
Tôi đã khẳng định, trường hợp tại thủy điện Sông Tranh 2 là bất thường, rủi ro cao hơn nhiều, cho nên công tác nghiên cứu phải tiến hành rất khẩn trương, tổng thể, căn bản, có những phương án để dân ứng phó, còn ngay một lúc di dời từng ấy dân là không đơn giản. Do vậy, phải có phương án, kể cả tập huấn nếu xảy ra sự cố.
Tôi là dân chuyên môn về lĩnh vực này nên chữ “nếu” là cần tính đến bởi đập thủy điện Sông Tranh 2 khác thường, đặc biệt.
Do chủ đầu tư không thiết kế cửa xả đáy nên không thể rút hết nước xem có thực sự do động đất kích thích hay không?
Khi tích nước thì thường xảy ra động đất kích thích. Nhưng tần suất và cường độ như ở thủy điện Sông Tranh 2 là khác thường, liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa động đất kích thích với chuyển dịch địa chất trong khu vực ấy không thì phải nghiên cứu. Địa chất là phức tạp, trả lời căn cơ ngay tức thì không thể ngày một ngày hai.
Với khối lượng nước và cao trình như vậy thì cá nhân tôi cho là liên quan nhiều đến cấu trúc địa chất của vùng đó. Vì khi tích nước thì nước sẽ ngấm theo khe nứt làm tăng độ trượt các khối địa chất, địa tầng.
Nếu qua kiểm tra kết luận được nguyên nhân do đầu tư sai thì xử thế nào?
Xử lý phải theo nguyên lý trách nhiệm đầu tiên là chủ đầu tư. Còn trong nghiên cứu khoa học là có rủi ro, không ai biết được hết những quy luật của tự nhiên.
Tại kỳ họp trước, Bộ Công Thương cũng đã giải thích, dẫn theo kết luận của chủ đầu tư?
Các biện pháp đang làm đều thể hiện trách nhiệm đúng mức, nhưng không thể căn cơ ngay được.
Tôi cho rằng, hoàn toàn không thể xem thường, nếu xảy ra thì đổ lỗi cho ai cũng đã muộn, cho nên dứt khoát dù một mạng người cũng phải làm hết trách nhiệm.
Cảm ơn ông.
Hà Nhân
(ghi)