Đập chợ, xây chợ rồi bỏ hoang: Dân bị nhắn tin dọa giết

TP - Chợ Đắk Búk So, huyện Tuy Đức dù đã được công nhận là một trong 6 chợ đạt chuẩn chợ trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông, nhưng lại bị chính quyền cho đập phá, khiến hàng trăm tiểu thương phải kéo nhau ra đường kiếm kế sinh nhai.
Chợ huyện Tuy Đức đầu tư 7 tỷ đồng bỏ hoang.

Chợ 7 tỷ bị bỏ hoang...

Chợ Đắk Búk So cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1999, theo Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ dân các xã biên giới. Khi đi vào sử dụng, chợ đã thu hút gần 200 tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ nghèo đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh… đã nhờ chợ cũ mà đổi đời. “Chúng tôi lên đây từ hai bàn tay không, sau gần 20 năm kinh doanh tại chợ cũ, kinh tế hàng trăm gia đình trở nên khá giả”, bà Nguyễn Thị Xê (63 tuổi) cho biết.

Việc buôn bán của tiểu thương đang thuận buồm xuôi gió, thì ngày 4/11/2014 UBND huyện Tuy Đức cho đập bỏ chợ cũ để xây trạm y tế. Hàng trăm tiểu thương không đồng tình. “Hàng chục năm nay, khách hàng mua nông sản chỉ biết tìm đến chợ Đắk Búk So để giao dịch. Huyện đập chợ cũ, đẩy chúng tôi sang chợ mới là không phù hợp. Chúng tôi phản đối, lập tức bị lực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa bằng cách tháo gỡ chợ từ lúc 3 giờ sáng, cho máy múc đào mương sâu, cấm tiểu thương tiếp cận các ki ốt !”,  bà Xê bức xúc.

Bà Xê cùng các tiểu thương liên tục khiếu nại đã bị nhận các tin nhắn “khủng bố” tinh thần, đe dọa nếu bà Xê còn “mở mồm, sẽ giết chết cả nhà” (!).

Thực tế, trước khi đập chợ cũ năm 2014, UBND huyện Tuy Đức đã đầu tư xây chợ huyện Tuy Đức, mà dân thường gọi là chợ mới, tại thôn 4, xã Quảng Tâm,  tổng diện tích 1.950 m2,  2 tầng, 176 sạp, tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng. Chợ này đặt xa khu dân cư, lại nằm ở vị trí chiêm trũng, tầng 2 của chợ thấp hơn mặt đường khoảng 2 mét. Hiện nhiều hạng mục chợ đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Huỳnh Thanh Hùng (64 tuổi) cho biết sau khi chợ cũ bị giải tỏa, ông chấp hành dời quầy sang chợ mới nhưng không ai đến mua hàng. “Tôi thuê ki ốt tại chợ mới thời hạn 10 năm, giá 28 triệu đồng. Nhưng tiểu thương toàn ngồi nhìn mặt nhau, đợi hết ngày rồi về, vì dân không đến chợ này. Nay chúng tôi phải tự dựng lán buôn bán ven đường vớt vát chút vốn liếng, kiếm sống qua ngày. Nếu chính quyền không đập bỏ chợ cũ, chúng tôi không khốn đốn như hiện nay! ”, ông Hùng nói.

Xây thêm chợ 30 tỷ đồng

Trao đổi vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, ông Hồ Bá Bằng lý giải, việc đập bỏ chợ Đắk Búk So phù hợp với xu thế phát triển, chủ trương của huyện. “Chợ cũ nằm gần các trường mẫu giáo và trường cấp 3, không đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Hơn nữa, chợ này đã được xây lâu đời, nay đã xuống cấp nên phải phá bỏ!”, ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết thêm, trước khi phá chợ cũ, UBND huyện đã thông báo đến các tiểu thương. “Chúng tôi đã thông báo bằng văn bản, kết hợp với đài truyền thanh tuyên truyền đến từng hộ. Khi đập chợ, tất cả tiểu thương đều đồng ý. Việc các tiểu thương nói bị chính quyền cưỡng chế là không đúng!”.

Với lý do chợ mới gần 7 tỷ không ai đến, UBND huyện Tuy Đức lại khẩn trương san ủi mặt bằng, chuẩn bị xây dựng chợ Đắk Búk So mới hoành tráng hơn nữa. Ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư - Du lịch An Phú Thiên 1 (trụ sở tại Hậu Giang) thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ xã Đắk Búk So mới. Theo kế hoạch, chợ này sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2017, có diện tích 1,6 héc ta, tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng theo hình thức xã hội hoá.

PV báo Tiền Phong đặt câu hỏi, việc đập chợ cũ rồi làm chợ mới gần 7 tỷ đang bỏ hoang, nay lại vội vàng xây dựng thêm chợ khác, liệu có nên không? “Trước khi khởi công, chúng tôi đã tiếp xúc cử tri, đã được dân đồng thuận. Chúng tôi hy vọng khi chợ mới vào hoạt động, hoạt động kinh doanh của địa phương sẽ được lập lại trật tự, ổn định đời sống cho bà con tiểu thương!”, ông Bằng cho biết.

Người dân cho rằng, tiền nào cũng là tài sản của xã hội. Đầu tư lãng phí kiểu này, có ai phải chịu trách nhiệm không?