Đạo văn đồng nghiệp làm luận án tiến sỹ

TP - Một giảng viên của Đại học Đồng Nai, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ít ngày đã bị đồng nghiệp, một giảng viên cùng tổ Âm nhạc (Khoa Thể dục- Nhạc- Họa) tố “mượn” hàng chục trang tư liệu trong sách đã xuất bản của anh để làm luận án mà không xin phép, trích nguồn.

Sách đạo văn được đánh giá xuất sắc
> Vụ đạo văn ở tỉnh Đắk Nông: Sự ngụy biện của ông chủ tịch hội

Tiền Phong vừa nhận được đơn trình bày của anh Lê Minh Phước, giảng viên khoa Thể dục- Nhạc- Họa, trường Đại học Đồng Nai, phản ánh chuyện anh bị đồng nghiệp “đạo” công trình nghiên cứu để làm luận án tiến sỹ. Trao đổi trực tiếp với phóng viên, anh Phước nói: “Mới đây, trang web Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (http://vnam.edu.vn) có đăng toàn văn luận án tiến sỹ “Phát âm tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát” của tác giả Võ Văn Lý (mã số: 62.21.01.01). Ở chương III của luận án này, tác giả đã sao chép hầu hết các ý tưởng của tôi mà không trích nguồn hoặc xin phép. Thậm chí, một số trang còn in gần như nguyên bản (từ trang 85 đến trang 94)”.

Theo anh Phước, người tốt nghiệp cử nhân Sư phạm âm nhạc của Nhạc viện TPHCM, ý tưởng mà anh đề cập trên đây được thể hiện trong chương 7 sách “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy âm nhạc ở trường cao đẳng sư phạm” (mã số 01.02.56/301. ĐH 2007- Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm), xuất bản năm 2007, được viết theo yêu cầu của dự án Đào tạo giáo viên trung học cơ sở - Bộ Giáo dục & Đào tạo. Theo một bài viết trên trang thông tin của tỉnh Đồng Nai (dongnai.gov.vn), cuốn sách trên đã đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2008.

Anh Lê Minh Phước đã đối chiếu một số đoạn trong cuốn sách “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy âm nhạc ở trường cao đẳng sư phạm” và luận văn của tác giả Võ Văn Lý (được đăng toàn văn trên trang web của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho thấy sự giống nhau gần như nguyên bản hoặc từng câu văn trong các đoạn. Thậm chí, chỉ trong một số câu lệnh để lưu tập tin trong phần ứng dụng phần mềm Encore để giảng dạy “Đọc và ghi nhạc”, ví dụ của tác giả Võ Văn Lý ghi: Bước 3: Lưu tập tin “B38_M3-1_tr164.enc” cũng giống y chang trong cuốn sách của tác giả Lê Minh Phước ở trang 183. Anh Phước giải thích: Ký hiệu trên là viết tắt Bài 38, mục 3-1, trang 164, phần về Encore. Một ví dụ khác cũng ở phần luận án này, một “tên file” mà tác giả Võ Văn Lý đưa ra để nêu thí dụ về việc lưu tập tin cũng có tên file B38-M4-2-tr166.enc giống hệt ví dụ trong trang 185, sách đã dẫn.

Một số giảng viên của Đại học Đồng Nai còn nói: Đối chiếu bảng danh mục công trình của tác giả luận án (Võ Văn Lý), họ thấy một số điều vô lý. Ví dụ như việc biên soạn 4 bộ giáo trình cho Đại học Đồng Nai trong các năm 2005, 2006, 2007, 2008. Thực tế Đại học Đồng Nai không có nhà xuất bản để biên soạn giáo trình và đến năm 2010, trường đại học này mới được thành lập trên cơ sở cao đẳng Sư phạm Đồng Nai.

“Khoảng 2 tuần sau khi anh Lý bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi lên xem trên trang web của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì mới phát hiện sự giống nhau”, anh Phước nói. Theo anh Phước, sau khi chuyện vỡ lở, tác giả Võ Văn Lý, từng là học trò và giờ là đồng nghiệp cùng tổ, có đến gặp anh. Anh Lý có nói “Em biết đó là tài liệu của thầy, nhưng không có cơ sở để dẫn nguồn (?)”. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, anh Lý cho rằng đơn giản là anh “quên dẫn nguồn” và “không biết đó là công trình của đồng nghiệp”.

Theo Báo giấy