Chính phủ cũng vừa phê duyệt ngân sách cho đề án đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ĐH tiếp nối đề án 911. Với ngân sách 14.000 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo đề án đào tạo và thu hút khoảng 9.000 tiến sĩ cho các trường ĐH của Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi đề án này triển khai thực tế, Bộ GD&ĐT cũng cần trả lời cho dư luận một số câu hỏi liên quan đến chất lượng và sự đãi ngộ tiến sĩ hiện nay.
Nói về chất lượng tiến sĩ, dư luận sẽ quan tâm đến các bài báo nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí ISI hoặc Scopus. Thống kê cho thấy năng suất khoa học của Việt Nam hiện nay còn thấp mà cụ thể là so với Thái Lan, nước có tỷ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ không cao hơn Việt Nam bao nhiêu (24% so với 22,7% của Việt Nam) nhưng công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI trong giai đoạn 2011-2015 của Thái Lan cao hơn hẳn so với chúng ta. Theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường ĐH có 5.738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước. Còn các trường ĐH của Thái Lan là 8.847 bài.
Đi vào lĩnh vực cụ thể là khoa học xã hội, tháng 10 vừa qua, nhóm nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu xã hội liên ngành, thuộc trường ĐH Thành Tây đã đưa ra những con số đáng chú ý. Theo kết quả mà nhóm thu thập được thì trong giai đoạn gần 10 năm (2008 – 2017), ngành Khoa học xã hội và Nhân văn của Việt Nam có 410 tác giả có bài báo khoa học trên các ấn phẩm của Scopus.
Đánh giá về con số này, TS. Trần Quang Tuyến, giảng viên trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết con số này khiêm tốn so với hàng chục ngàn người đang làm trong lĩnh vực khoa học xã hội và Nhân văn.
Nên xóa bỏ chế độ phong hàm giáo sư “trọn đời”
Những con số mà Trung tâm nghiên cứu xã hội liên ngành của ĐH Thành Tây đưa ra cũng cho thấy một tín hiệu đáng mừng: Việt Nam cũng có bài báo quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn. Bởi từ trước đến nay, nhiều người mặc định ISI hay Scopus là sân chơi dành cho các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Còn khoa học xã hội và nhân văn mang tính đặc thù nên đứng ngoài cuộc. Nhưng thực tế này theo TS. Trần Quang Tuyến, cũng chỉ ra rằng để đăng bài trên ISI của ngành Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam không khó. “Thậm chí ngành tôn giáo, cứ tưởng khó nhưng vẫn có bài báo được đăng trên ISI” – TS. Trần Quang Tuyến khẳng định. Theo lý giải của TS. Tuyến, việc các bài báo về ngành khoa học xã hội và Nhân Văn nói riêng và các ngành khác nói chung của Việt Nam ít xuất hiện trên Scopus hay ISI có hai nguyên nhân: Thứ nhất là do tiếng Anh không tốt, không được đào tạo bài bản. Thứ hai là môi trường của Việt Nam không có “gậy và cà rốt”. Quy định của nhà nước hiện nay không có thưởng cho bài báo quốc tế. Tức là không có động lực. Đồng thời cũng không yêu cầu bắt buộc giảng viên phải có bài báo quốc tế, tức là không có áp lực. Họ chỉ cần hoàn thành số giờ giảng hàng năm là đạt. Nếu có bài báo quốc tế, tác dụng chỉ là được thưởng một chút cùng với lợi thế xét thi đua bình bầu cuối cuối năm. Như vậy, cả động lực và áp lực đều không có thì chắc chắn chỉ có vài phần trăm giảng viên có bài báo công bố quốc tế hàng năm là hiển nhiên.
“Nói cụ thể hơn, nếu hỏi ý kiến cho việc nâng chuẩn theo quốc tế đối với tiến sĩ, PGS, GS của Việt Nam phải có bài báo khoa học trên ISI hay Scopus thì chỉ có khoảng 3% giảng viên ngành khoa học xã hội ủng hộ. Vì 97% còn lại không thể viết được bài báo ISI hoặc Scopus” – TS, Trần Quang Tuyến nêu thực tế.
Không những thế, ông cũng cho rằng môi trường đãi ngộ sau mấy năm học xong trở về không khác là bao. Đây là một sự lãng phí. “Nhiều bạn tôi học xong về nước rồi quay lại nước ngoài định cư. Họ không cần phải đi theo đề án 911 hay đi theo đề án 322 đâu, mà đi bằng học bổng của nước ngoài. Vì trong nước không có chỗ cho họ, không dùng được họ, không có môi trường cho họ phát triển” – TS. Trần Quang Tuyến cho hay. Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng cũng cần rành rẽ hai thứ. Bộ GD&ĐT chỉ là nơi ươm mầm, tạo giống. Giống thì vẫn phải cần còn sau này về trồng ở đâu thì nằm ngoài tầm tay của Bộ GD&ĐT.
Ông Lê Minh Tiến, giảng viên Đại học Mở TPHCM cho rằng cái mà các cơ quan có chức năng, những người hoạch định chính sách phải quan tâm cải thiện không phải là nâng tỉ lệ tiến sĩ mà phải là nâng cao năng suất khoa học. Tất nhiên, việc làm thế nào để nâng cao năng suất khoa học sẽ tác động mạnh đến chất lượng đào tạo ĐH cũng như của cả nền khoa học. Nhưng dĩ nhiên, làm điều này cũng khó khăn hơn là tạo ra thêm 9.000 tiến sĩ, bởi với cung cách đào tạo tiến sĩ như chúng ta thấy trong thời gian qua thì việc tăng tỷ lệ tiến sĩ là không khó.
Bên cạnh đó, phải cải thiện cho được các điều kiện làm việc cho những người làm khoa học, tăng mức độ đãi ngộ và kèm theo đó là những ràng buộc. “Chẳng hạn, ta nên xóa bỏ ngay chế độ phong hàm Phó Giáo sư, Giáo sư mang tính “trọn đời” như hiện nay mà phải đặt ra quy định là sau một khoảng thời gian nào đó, nếu những người được phong hàm không có đóng góp gì mới cho khoa học thì cái học hàm được phong trước đây cũng không còn” – ông Lê Minh Tiến nói.
“Nhiều bạn tôi học xong về nước rồi quay lại nước ngoài định cư. Họ không cần phải đi theo đề án 911 hay đi theo đề án 322 đâu, mà đi bằng học bổng của nước ngoài. Vì trong nước không có chỗ cho họ, không dùng được họ, không có môi trường cho họ phát triển”.
TS. Trần Quang Tuyến