Ðào là cây thoát nghèo
Trong đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, ông Vũ Thanh Hải, cho biết, ngay trong ngày 29/12, UBND huyện Vân Hồ đã tổ chức họp với địa phương có diện tích đào trồng lớn (xã Lóng Luông) để rà soát diện tích trồng đào. Trong những ngày tới sẽ họp với các địa phương khác để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Theo ông Hải, đào rừng là đào bản địa, là cây phân tán, không phải cây cổ thụ, vòng đời thấp chỉ sống khoảng 15 -20 năm là rỗng ruột.
Không giống cây hoa ban hay loài hoa khác, trong rừng, đào rất khó sống, vì cây đào đòi hỏi phải thoáng, có người chăm sóc. Hiện nay, tại Vân Hồ, diện tích đào rừng hầu như không có. Đi vào rừng kiếm cành đào chơi Tết là rất khó. “Tại địa phương, người dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào, đào tại Vân Hồ đều có chủ. Tất cả diện tích đất dốc, rải rác trên nương, rẫy được quy hoạch trồng. Đây là hướng kinh doanh mới cho bà con nông dân”, ông Hải cho hay.
Ông Hải cho biết, cây đào trồng được phân làm hai loại là đào bán quả và bán hoa. Đào bán quả chỉ có diện tích nhất định, quả hạn chế, lượng tiêu thụ và nhà máy chế biến hầu như không có. Tại Vân Hồ chủ yếu trồng đào bán hoa và bán gốc. Bán gốc đào thì người dân trồng rất dày, mỗi gốc cách nhau khoảng 2m, 3-5 năm là có thể đưa về xuôi để ghép, bán…
Đây là giống đào bản địa được người dân trồng trên nương 5-7 năm là có hoa, cành có thế đẹp. Theo ông Hải, trên địa bàn huyện, cứ khu vực nào có người dân tộc Mông sinh sống là ở đó có trồng đào. Đây không chỉ là một nét văn hóa của họ mà còn là cây để xóa đói giảm nghèo. Xã Lóng Luông có diện tích trồng đào lớn nhất huyện Vân Hồ (khoảng 300 ha), được người dân trồng rải rác trên nương, trên sườn đồi.
“Cây đào không phải là hàng hóa cao cấp, nhưng trong những tháng cuối năm, hầu như gia đình nào cũng có đào bán tăng thêm thu nhập. Có những cành đào người dân bán được 5-7 triệu, số tiền này sẽ giúp thay đổi đời sống của họ. Ở Vân Hồ, cây đào giống như một cây xóa nghèo cho bà con nông dân. Lóng Luông rất hợp với đào, khí hậu phù hợp, chỉ trồng 3-5 năm đã phong rêu giống như trồng trong rừng.
Có những vườn trồng lấy gốc có diện tích vài héc-ta, cũng giống như sản xuất lương thực chỉ trồng 3 năm là có đào gốc để bán. Đất, khí hậu tại Vân Hồ rất hợp với việc trồng đào khoảng 3 năm là có đào gốc để bán. Một vườn đào có diện tích khoảng vài héc ta là người dân có thể trồng gối đầu sau mỗi vụ bán, giống như sản xuất lương thực. Như thế, mỗi vụ có hộ thu hàng chục triệu, nếu chăm sóc tốt có thể kiếm hàng trăm triệu đồng”, ông Hải nói.
Dán tem chứng minh nguồn gốc
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cần làm rõ khái niệm đào rừng. UBND huyện nhất trí với chủ trương của Chính phủ là cấm chặt đào rừng, cũng như các loài cây khác phải bảo vệ, chăm sóc; nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Nhưng về lâu dài, cần coi đào miền núi hay miền xuôi (được trồng, chăm sóc) là mặt hàng kinh doanh. Đây là loại cây tạo thu nhập, vừa để tạo thú chơi trong dịp tết đến xuân về, người dân lại có thêm nhu nhập.
“Khi có văn bản chính thức, UBND huyện sẽ tham mưu các cấp ngành xác định nguồn gốc. Trong đó, sẽ phối hợp cơ sở, chính quyền huyện xã, thống kê chứng minh nguồn gốc của đào. Cụ thể, chính quyền xã sẽ thống kê các vùng trồng đào, diện tích là bao nhiêu. Tuy chưa thể làm được ngay thương hiệu nhưng sẽ có minh chứng của chính quyền xác minh ai trồng, vùng nào để gắn cho cây đào. Đây coi như một biện pháp gắn tem, nếu cần truy nguồn gốc sẽ căn cứ vào đó”, ông Hải nói.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ông Long Trung Tâm, khẳng định, huyện không có đào rừng mà đào bán mọi năm chủ yếu do người dân trồng. Có hộ thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ đào.
“Hiện nay, chưa có phương án phân biệt đào rừng, đào nhà trồng mà chỉ có cách chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Từ trước đến nay, mới có một số cây như mận, mơ, bơ, rau quả đã làm. Còn cây đào thì để chứng minh từng cành chặt đi cũng rất khó và không biết cơ quan nào kiểm soát. Chúng tôi đang chờ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu những giấy tờ gì để chứng minh sẽ thực hiện theo”, ông Tâm nói.
Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, cho biết, theo chỉ đạo, sẽ cấm tuyệt đối chặt đào trồng trong rừng. Còn đào được người dân trồng trong nhà người dân sẽ thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tức người dân muốn chặt bán phải có xác nhận của chính quyền xã với nội dung như: ai trồng, bao nhiêu cây, thôn bản nào… thì mới được bán. Chi cục Kiểm lâm Sơn La cũng đang nghiên cứu các phương án khác để tham mưu cho UBND tỉnh.