Đạo đức kinh doanh

TP - Những ngày cuối năm, giữa quay cuồng dịch bệnh, mọi thứ dường như thêm chao đảo với sốt đất, lọc lừa chứng khoán, đẩy giá “bỏ cọc”. Người có tiền tìm nơi trú ẩn vào bất động sản, vàng và chứng khoán, còn những người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn… biết nán vào đâu?

Thực ra, dịch bệnh như một phép thử đánh giá năng lực và đạo đức của cộng đồng doanh nghiệp. "Biến thể" như Việt Á là điển hình trục lợi trên nỗi sợ hãi của người dân. Những dạng thức mánh mung con buôn cũng không thiếu. Thị trường Chứng khoán là nơi diễn ra những cơn lên đồng tập thể điển hình. Thời buổi khó khăn, những nhà đầu tư mới (F0) luôn chìm trong hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) nên sẵn sàng lao vào một mã nào đó bất chấp các khuyến cáo. Ai đó nói, thị trường chứng khoán có lúc như một canh bạc. Cú bán chui cổ phiếu vừa rồi tồi tệ đến mức Ủy ban Chứng khoán phải có động thái cần thiết. Bộ Tài chính hơn lúc nào hết cần truy trách nhiệm những người liên quan.

Nếu trong chứng khoán có “đội lái” chuyên “lùa gà” thì với bất động sản cũng đủ dạng trùm giật dây “cò đất”. Đất đai nhiều địa phương gần đây bỗng dưng lên cơn sốt. Xóm làng đang bình yên, ô tô ở đâu kéo nhau về bụi tung trời, những anh “cò” chỉ tay vài nơi, có khi sau đó thành đất nền phân lô. Bàn tay nào đang hướng dòng tiền trú ẩn vào những kênh đầu tư nói trên, trong khi cả xã hội cần được đầu tư vào sản xuất? Trong sâu xa, đó có phải là lòng tham đang thừa cơ trỗi dậy. Những gã trọc phú thừa hiểu nỗi sợ hãi lạm phát và khơi dậy lòng tham, sẽ được hốt trọn một mẻ. Nền kinh tế đang chống chọi với dịch bệnh, nếu có thêm những "biến thể" kiểu Việt Á hay gã “úp sọt”, “bỏ cọc”, không biết sẽ đi tới đâu.

Trong khi nhiều nhà đầu tư chìm vào hội chứng FOMO thì nhiều người dân cũng sợ bỏ lỡ. Họ đã từng lỡ hẹn với gia đình, người thân Tết sum họp năm trước vì quy định giãn cách. Năm nay, Tết đến nơi rồi, nếu không về, biết đâu lại bỏ lỡ. Chính phủ khi đưa ra các gói hỗ trợ “lớn nhất trong lịch sử”, chắc hẳn cũng lo lỡ bỏ sót đối tượng thụ hưởng. Nếu kẻ có tiền khôn lanh biết trú ẩn đầu cơ, người có trách nhiệm phải nghĩ ra gói cứu trợ để người yếu thế nương náu.

May thay, sự kiện tôn vinh 3 nhà khoa học nghiên cứu vắc xin mRNA cứu sống hàng triệu người vừa diễn ra tại Việt Nam đã đánh thức nhiều trái tim. Đó không chỉ là giải thưởng hàng triệu đô la Mỹ hay có các ngôi sao đẳng cấp quốc tế xuất hiện quảng bá giúp hình ảnh quốc gia; mà lớn hơn, nó truyền thông điệp nhân sinh. Ít nhất, nó cũng day dứt như câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì”, khi mà đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân xuống cấp.

Có lẽ chúng ta cần một thứ vắc xin chế ngự lòng tham cho các doanh nghiệp, để họ biết hướng trái tim tới cộng đồng nhiều hơn nữa.