Hedda Gabler đánh dấu sự hợp tác của Tuổi trẻ và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Sau hơn hai tháng chuẩn bị, dàn nghệ sĩ chia hai ê-kíp diễn xuất: Lương Thu Trang, Hương Thủy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Chí Huy, Duy Anh, Lệ Quyên, Anh Thơ, Anh Tú, Mạnh Đạt, Thanh Tú ra mắt vở diễn lay động trái tim khán giả.
Nhà soạn kịch Henrik Ibsen từng đấu tranh cho nữ quyền một cách xuất sắc trong tác phẩm kinh điển Nhà búp bê. Với Hedda Gabler, Ibsen tiếp tục khai thác thân phận người phụ nữ cô đơn, tuyệt vọng trong xã hội do những người đàn ông sắp đặt. Nữ nhân vật chính khao khát một cuộc sống khác nhưng không thể vượt thoát được những rào cản, cuối cùng rơi vào sự vô vọng. Tuy nhiên, khác với cách Nora đóng sập cánh cửa trong Nhà búp bê, Hedda Gabler chọn một cách giải thoát có phần tiêu cực.
Vở diễn xoay quanh Hedda Gabler - kết hôn với học giả Jorgen Tesman, nhưng cô tiếp tục sử dụng tên thời con gái thay vì theo họ chồng. Vừa trở về sau tuần trăng mật kéo dài 6 tháng, Hedda Gabler phải đối diện với cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt bên người chồng cô không yêu. Người yêu cũ Eilert Lovborg bất ngờ trở lại, quá khứ yêu đương và cả sự ghen tuông hiện tại giày vò Hedda. Hơn hết Eilert lại đang trở thành đối thủ ảnh hưởng tới sự nghiệp học giả của chồng. Hedda giằng co giữa tình cảm và lợi ích cá nhân, để rồi hủy đi tác phẩm để đời chưa kịp xuất bản của anh ta. Khi biết được sự thật cái chết của Eilert thấp kém và hèn hạ trong một nhà thổ chứ chẳng hề đẹp đẽ như cô tưởng tượng, Hedda thêm tuyệt vọng bội phần. Sự bế tắc nối dài bế tắc, Hedda tìm đến một kết cục bi thảm mà “người thường không ai làm thế”.
Đạo diễn Nhật có thể coi là người quen của nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ. Sau Cậu Vanya, Tsuyoshi Sugiyama dụng công với ý tưởng thiết kế sân khấu nghiêng trong Hedda Gabler. Không cần cảnh trí rườm rà, không cần chuyển cảnh phức tạp, chiếc bục sân khấu tròn phẳng đặt nghiêng choán gần hết sàn diễn trở thành bối cảnh chính xuyên suốt vở diễn. Thiết kế sân khấu gợi cảm giác về sự chênh vênh này chính là chìa khóa để đạo diễn người Nhật giải mã kịch của Ibsen. Không chỉ bối cảnh, đạo cụ tối giản, đạo diễn yêu cầu diễn viên thoại không micro - chỉ có vài chiếc được treo ngược để thu tiếng và khuếch âm lên đôi phần.
Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama lý giải, hầu như ai cũng một lần trong đời từng ở trong tình trạng hay tâm trạng như rơi xuống vực sâu. Đó không phải là một nơi có thể dễ dàng thoát ra mà chỉ khiến cho ta thấy ngột ngạt, chán nản, cô đơn, tuyệt vọng, bức bối… giống như bị hút vào bởi lực hút của hố đen vũ trụ.
“Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện này đều là những con người bị rơi xuống vực thẳm bởi muôn vàn lý do. Có những người thoả hiệp một cách vô thức, và khi nhận ra thì đã thấy mình nằm dưới đáy vực. Cũng có những người bị đày xuống bởi những định kiến của người đời và xã hội. Tại chính nơi này, họ chiến đấu, nỗ lực để thoát khỏi vực thẳm”, Tsuyoshi Sugiyama nói.
Bi kịch hôn nhân gia đình không phải là yếu tố giúp Hedda Gabler trụ vững sau khoảng 130 năm qua. Tầng nấc ẩn đằng sau vượt thời gian, nối dài sức sống của tác phẩm. Câu chuyện hôn nhân gia đình là cái cớ để Henrik Ibsen mổ xẻ những vấn đề và giá trị nhân văn. Đó là sự yêu thương, sự trăn trở, nỗi cay đắng, sự trống rỗng trong tâm hồn con người. Đó là cách mỗi người dằn vặt, vượt qua nỗi tuyệt vọng để trở thành con người mình mong muốn.
Tsuyoshi Sugiyama đòi hỏi dàn diễn viên Việt Nam phải tuân thủ khắt khe tiêu chuẩn sân khấu Nhật Bản. Anh tuyển chọn diễn viên kỹ càng, không dựa vào danh tiếng của diễn viên để phân vai. Có lẽ nhờ vậy mà dàn diễn viên trẻ dù được trui rèn trước đó cũng tốt hơn lên. Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Lý Chí Huy hay Lệ Quyên thể hiện khá tốt diễn biến tâm lý phức tạp của mỗi nhân vật. Họ không để lối diễn truyền hình lấn át, bởi những năm gần đây các gương mặt này liên tục phủ sóng màn ảnh nhỏ. Một vài cảnh “nóng” được xử lý thẩm mỹ mà không làm mất đi sự bạo liệt, kể cả những ẩn ý về sự quấy rối của thẩm phán Brack đối với Hedda.
Quen với việc đảm đương vai chính - trong đó có vở diễn khó như Hoa cúc xanh trên đầm lầy (từ kịch bản của Lưu Quang Vũ) - Hedda Gabler buộc Lương Thu Trang phải dồn toàn bộ sức lực, cảm xúc hơn nhiều lần. Cô thành công lột tả một Hedda Gabler vừa lạnh lùng kiêu ngạo nhưng sâu thẳm bên trong là sự tự ti về gia cảnh thất thế, một tâm hồn trống rỗng, tuyệt vọng và hoảng loạn. Có những trường đoạn cảm xúc Lương Thu Trang đẩy cao tới tận cùng, từ từ khiến trái tim khán giả nghẹn lại. Cảm giác xót xa dần xâm chiếm qua từng diễn biến tâm lý phức tạp. Hedda Gabler luôn sống trong hai trạng thái, một bên là sở thích kiểm soát người khác, một phần khác lại là con người sống không có mục đích - giống cách lấy đại một anh chồng chỉ vì nghĩ quãng thời gian thanh xuân đã kết thúc, chọn bừa một căn nhà và sau đó lại sống trong sự chán ghét.
Kịch bản Hedda Gabler vốn không dễ đưa lên sân khấu. Cách nhìn nhận vấn đề nữ quyền, thân phận người phụ nữ trong xã hội có những bước tiến dài. Tuy thế bi kịch của Hedda Gabler còn mang tính thời đại, và Tsuyoshi Sugiyama một lần nữa thành công vượt qua thách thức, đưa vở diễn đến gần hơn với khán giả.