Ðạo diễn Nhật dựng kịch Nga cho nghệ sĩ Việt

TP - Ðạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ quá trình hợp tác với nhóm nghệ sĩ Việt-Nhật dàn dựng Cậu Vanya của A.P.Chekhov.
“Cậu Vanya” sau khi diễn tại Việt Nam sẽ lưu diễn ở Nhật. Ảnh: Thế Toàn

Duyên cớ nào khiến một đạo diễn sân khấu đương đại Nhật đến Việt Nam dàn dựng một vở kịch của nhà văn Nga?

Ba năm trước đây chúng tôi từng kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ khi các diễn viên sang Nhật lưu diễn ba tháng. Chúng tôi quen nhau ở Nhật, cùng diễn vở Chim én của Chekhov-nhận nhiều giải thưởng. Rồi nghĩ tới chuyện nên làm thêm vở nữa từ tác phẩm của Chekhov, quyết định chọn Cậu Vanya.

Anh thấy thế nào khi một vở kịch Nga nhưng lại do đạo diễn Nhật dàn dựng cho nghệ sĩ Việt Nam?

Ban đầu mọi người nghĩ ba yếu tố này không ăn nhập lắm, thế nhưng giữa người Nhật và người Nga, và giữa văn hóa Nhật và văn hóa Nga có những điểm tương đồng. Nhật Bản và Việt Nam cũng có điểm tương đồng nhất định. Tôi còn nhìn thấy những điểm tương đồng giữa Nga và Việt Nam. Vì thế có thể xem sự kết hợp này như ba cạnh tam giác, tưởng không liên quan nhưng lại kết nối chặt chẽ.

Tôi từng có thời gian gian sinh sống học tập tại Nga. Một số diễn viên Việt Nam từng học ở Nga, nên thành ra chúng tôi lại có nhiều điểm chung.

Chekhov viết Cậu Vanya bối cảnh nước Nga thế kỷ 19, tuy nhiên không có địa điểm nào cố định, không có thời gian nhất định nên dù ở bất kỳ đâu- Hà Nội hay một vùng quê nào đó của Việt Nam, Tokyo hay vùng quê nào ở Nhật, khán giả đều có cảm giác giống nhau.

Anh tin rằng vở kịch vẫn phù hợp với khán giả thời nay?

Quả thật Cậu Vanya được viết từ thế kỷ 19 ở nước Nga, tuy nhiên sức sống vẫn còn. Thông điệp tác giả gửi gắm đến thời đại chúng ta, nhất là những người trẻ ở Hà Nội, ở Tokyo còn giá trị nhất định. Khán giả có thể yên tâm, bởi dù vở có hơi cổ điển, chúng tôi chọn cách dàn dựng hoàn toàn mới mẻ.

Làm thế nào để vở kịch thế kỷ 19 đủ hấp dẫn khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ?

Chúng tôi không dựng theo tính kịch hiện thực như cách viết của Chekhov, sẽ có những sáng tạo gây bất ngờ. So với đọc những trang sách của Chekhov, tôi tin khán giả thích thú với không khí sôi động của vở diễn, với cách ê kíp sáng tạo vở kịch. Tôi chọn những điểm nổi bật, đẩy mạnh những tình tiết không chỉ phù hợp với thế kỷ 19. Khán giả có thể yên tâm bởi sân khấu có đặc thù riêng, có những thủ pháp dàn dựng truyền hình không thể có được.

Nếu khán giả chỉ đọc kịch Chekhov sẽ thấy những trang sách này hơi ảm đạm, hơi đau buồn quá. Chúng tôi mong muốn truyền đạt sức sống, mục đích sống, sự hy vọng trong tính cách của từng nhân vật, hoặc là tình yêu, sự cảm nhận tình yêu của từng nhân vật.

Nghệ sĩ hai nước đứng chung sân khấu có gặp rào cản ngôn ngữ?

Lúc đầu chúng tôi nghĩ rào cản khá lớn, thế nhưng khi làm việc lại thấy nó không tới mức đáng ngại và có thể dễ dàng vượt qua. Tôi nghĩ nghệ sĩ Việt Nam có tố chất, đặc biệt là rất phù hợp với kịch của Chekhov. Trong suốt ba tháng tập luyện, chúng tôi không chỉ học lẫn nhau về ngôn ngữ, mà còn học nhau cách diễn, sức sáng tạo của từng diễn viên.

Về ngôn ngữ giao tiếp trên sân khấu, diễn viên Nhật nói tiếng Nhật, diễn viên Việt nói tiếng Việt. Lời thoại có phụ đề, không có cản trở gì cho khán giả thưởng thức.

Cậu Vanya quy tụ dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Không tường (Nhật Bản): Hemi Che, Matsuda Takashi, NSND Lê Khanh, NSƯT Ðức Khuê, Thu Quỳnh, Quỳnh Dương, Thanh Dương, Tú Oanh, Thanh Bình, Hương Thuỷ. Ðạo diễn Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói rất cân nhắc trước mỗi dự án đối ngoại “tuy nhiên sự hợp tác với các đạo diễn, nhà hát nước ngoài là cơ hội để thay đổi và mở cửa sân khấu”.