Đạo diễn 'Người Giấu mặt': Ai cũng hai mặt hết!

TP - "Mọi người hay chê thí sinh hai mặt hay thế này thế kia. Nhưng mình nghĩ ngoài đời ai chẳng vậy. Nếu đời sống ở ngoài có nhiều camera bắt hình mình thì nhiều khi ai cũng thành người hai mặt hết", Đạo diễn "Người Giấu mặt" Nguyễn Quang Dũng nói.

> Vụ khỏa thân trên truyền hình: Nhà sản xuất nhận sai sót, xin lỗi
> Thí sinh 'Người giấu mặt' lộ ngực trên truyền hình

Chương trình truyền hình thực tế Người Giấu mặt bắt đầu gây sóng gió kể từ khi một số nữ thí sinh cởi áo để mong chiến thắng trong thử thách giảm cân. Thực ra đó chỉ là “tai nạn” tương đối dễ xử lý so với những scandal mà các phiên bản nước ngoài gặp phải: bạo lực, quấy rối tình dục…

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ cách phòng tránh scandal của phiên bản Việt.

24h theo dõi thí sinh hằng ngày và phải xử lý thành 1 giờ phát sóng, đạo diễn có bị căng thẳng?

Đạo diễn thường muốn thể hiện dấu ấn, tham gia dựng lên câu chuyện. Thì cái này ngược lại, làm sao anh phải tìm ra câu chuyện trong các hoạt động của thí sinh. Và mình phải bình tĩnh. Nếu mình sợ chương trình và cứ đưa trò chơi vào thì nó thành gameshow. Trong khi bản chất nó không phải gameshow. “Game” chỉ để tạo mâu thuẫn, làm bật tính cách thí sinh lên.

Cái khó là ở hoàn cảnh Việt Nam, người làm và cả người xem cũng không bình tĩnh. Ngồi nhìn thí sinh không làm gì hết khoảng 1-2 tiếng là mình cũng mất bình tĩnh. Thật ra, không có gì để làm cũng là một câu chuyện.

Có những phiên bản nhốt thí sinh trong nhà tới 5 tháng?

Thường họ làm format 100 ngày, thì nó vừa đến cái ngưỡng chịu đựng của người ta. Hai tháng cũng còn dễ chịu. Mình chọn 65 ngày cũng vì không có nhiều sóng. Có nước chỉ phát 30 phút, nhưng có những giờ cho khán giả xem trực tiếp diễn biến trong nhà qua mạng, hoặc những giờ dành cho khán giả 21 tuổi trở lên…

 Mọi người hay chê thí sinh hai mặt hay thế này thế kia. Nhưng mình nghĩ ngoài đời ai chẳng vậy. Nếu đời sống ở ngoài có nhiều camera bắt hình mình thì nhiều khi ai cũng thành người hai mặt hết 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Người Việt nói chung lành, ít thể hiện…, cũng là điểm thuận lợi cho người làm chương trình?

Thực ra là khó hơn. Ở Việt Nam có hai điều khó. Nước ngoài gần lên sóng mới dựng xong. Còn mình 8h phát sóng thì 2h đã phải chuyển ra Hà Nội để duyệt băng.

Thứ hai, người Việt để xâu chuỗi những câu chuyện mâu thuẫn khó hơn. Nước ngoài họ nói rất thẳng. Việt Nam mình thường bóng gió, quan sát 1-2 tiếng mới hiểu người đó đang nói ai, vấn đề gì.

Liệu trong những tư liệu đã quay có cảnh gì sốc hơn cảnh thí sinh cởi trần để giảm cân?

Còn nhiều cảnh hớ hênh hơn. Có những nguyên tắc của cả thế giới luôn. Hành động thí sinh cởi đồ là một phần của câu chuyện và thể hiện tính cách nhân vật. Đó là lý do tôi đưa cảnh đó lên.

Tôi cũng chọn những góc quay hầu như sau lưng. Nhưng câu chuyện diễn ra khá dài, nên cũng không thể lấy mỗi góc máy đó. Có 1-2 góc trước mặt thì đã làm mờ đi khi phát sóng.

Trong những thí sinh ra đi, anh tiếc nhân vật nào nhất vì khả năng “gây chuyện”?

Thường thí sinh chia phe cánh như xã hội. Khi một nhóm mất đi, người ta sợ: Thế thì còn đấu tranh gì nữa. Nhưng nó “dã man” ở chỗ cái nhóm còn lại sẽ tách ra để đối kháng nhau tiếp. Tranh đấu với người anh không thích là chuyện dễ rồi. Nhưng cuối cùng anh phải đấu với bạn thân. Cho nên gần như mình không sợ mất thí sinh, dù rằng những người càng nổi trội, càng có vai trò lãnh đạo thì càng bị đẩy ra sớm.

Khá nhiều thí sinh vẫn nghĩ muốn vào con đường nghệ thuật, muốn nổi tiếng thì đi thi Người Giấu mặt, trong khi đây không phải chương trình tìm kiếm tài năng?

Thật ra thế giới cũng vậy. Có người thi tất cả các cuộc, cho dù họ là người bình thường. Bây giờ mình cũng biết, người nổi tiếng không nhất thiết phải tài năng. Người ta sống bằng hình tượng. Như nhiều ca sĩ hát không xuất sắc nhưng vẫn rất được yêu thích do hình tượng người đó tạo nên.

Ở nước ngoài có 1-2 trường hợp sau khi tham gia chương trình trở nên nổi tiếng, làm người mẫu. Nhưng show này hay nhất vẫn là vì nó dành cho người bình thường, cho họ cơ hội đổi đời…

Cảm giác ê-kip khá an toàn chọn lựa những cá tính không quá mạnh và không chênh lệch nhiều về địa vị xã hội?

Cũng hơi “oan” cho chương trình nếu người ta tìm hiểu về nó trên mạng lại thấy scandal đầu tiên. Ở Việt Nam, nhất là con gái tới tuổi ngoài 20 vẫn phải xin phép gia đình. Cho nên nguồn thí sinh không phải quá đông.

Thứ hai là dù cá tính gì thì thí sinh cũng phải tuân thủ luật chơi. Những người dễ bùng nổ, không có trách nhiệm với show thì không thể cho vào được. Cả thế giới đều vậy. Đầu tiên, thí sinh phải được kiểm tra về sức khỏe, tâm thần.

Đây cũng chỉ là một show giải trí, không đến nỗi cần tranh đấu quyết liệt. Trong lịch sử format cũng đã có chuyện phiền phức do thí sinh gây ra, nên ê-kip càng khắt khe trong tuyển chọn.

Thí sinh có cảm giác thế nào khi xem lại những gì họ thể hiện?

Họ cũng giật mình. Như Hà Thủy nói: “Xem lại, thấy không giống tính cách em gì cả. Em xem em cũng thấy sợ em nữa”.

Nếu mình tham gia chắc cũng thế thôi, nhiều cái không tưởng tượng được đâu. Mình nói đầu ngày một câu, cuối ngày một câu, nhiều khi không thấy gì. Nhưng khi người ta nhìn vào, xâu chuỗi lại thì nó là một câu chuyện.

Giả sử thí sinh sau khi ra khỏi cuộc chơi bị ảnh hưởng đến đời tư, công việc thì chương trình có chịu trách nhiệm gì không?

Hợp đồng với thí sinh rất chặt và được bảo mật nhiều thứ. Khi thí sinh ra ngoài, chương trình thường giữ họ lại 2 ngày, cho họ xem lại chương trình từ đầu, đọc bình luận của khán giả. Tiếp theo, họ được làm việc với chuyên gia tâm lý để đỡ sốc hơn.

N.M.Hà
Thực hiện

Theo Báo giấy