Đạo diễn “Cha cõng con” trả lại bằng khen cho BGK Cánh diều 2016

TPO - Ngay trong đêm trao giải 9/4, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết anh ra khu vực hàng ghế đầu nơi các giám khảo và quan khách ngồi và “trịnh trọng xin trả lại Bằng khen cho Ban giám khảo”. Ngay trong đêm anh soạn bức "tâm thư" về việc này.
Đạo diễn Lương Đình Dũng bức xúc trả lại giải cho BTC Cánh diều 2016

“Cha cõng con” được đề cử ba hạng mục Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Phim điện ảnh xuất sắc. Kết quả phim chỉ nhận được Bằng khen từ Ban giám khảo cho hạng mục Phim điện ảnh.

Trước khi đến với Cánh Diều 2016, “Cha cõng con” chu du gần chục liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu tranh giải chính thức. Giữa tháng 4, đạo diễn sẽ sang Mỹ tham gia lễ trao giải Boston, Houston...

“Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của “Cha cõng con” chính là nguyên nhân khiến Ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ. Đó là nguyên nhân khiến tôi quyết định trả lại Bằng khen cho Ban tổ chức Cánh Diều 2016”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ với báo giới.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tự nhận là người vô duyên với Cánh Diều. Năm 2004, anh tham dự ở hạng mục phim ngắn với “Hạnh phúc đỏ”. Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó phim được chọn chiếu tại Liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, anh có phim ngắn “Chuyện ông Mờ” và chỉ nhận được bằng khen của Ban giám khảo. Bộ phim này sau đó được giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29.

Chuyện lùm xùm và ở giải thưởng Cánh Diều không phải hiếm, năm nào cũng có chuyện. Từ lễ trao giải luộm thuộm, nhiều sạn cho tới cách đánh giá khiến giới trong nghề không phục. Nhiều đạo diễn nói thẳng không quan tâm tới Cánh Diều, xem đây là cuộc chơi của một nhóm người.

Dưới đây là tâm thư của vị đạo diễn đã dấn thân, chắt chiu đến đồng cuối cùng làm một bộ phim trong veo, để rồi anh cảm thấy chán chường:

XIN ĐỪNG LÀM NGƠ

Đêm nay, sau tất cả những ồn ào về giải thưởng, về doanh thu phòng vé... Tôi ngồi đây, viết những dòng này và mong có cơ hội một lần được mọi người lắng nghe, có lẽ vậy.

“Cha cõng Con” không phải là dấn thân với điện ảnh đầu tiên của tôi, nhưng chắc chắn là lần dấn thân ngược dòng nhất, từ bây giờ cho đến sau này. Một quyết định không hối hận. Người cha trong phim đã cõng con đi ngược với thiên nhiên, ngược xã hội, ngược số phận, một cách bản năng và không oán thán. Có lẽ tôi cũng đã làm thế với “Cha cõng con”, đi ngược lại với tất cả định kiến, xu hướng thị hiếu. Điều đó là để làm gì?

Là một người trong ngành truyền thông, tôi hiểu cách một bộ phim làm sao có thể hút khách đến rạp, làm sao để đánh đúng thị hiếu. Nhưng nói hơi ngược đời, nếu mục tiêu hướng đến doanh thu phòng vé, tôi đã không liều lĩnh một cách điên rồ, đánh cược gia sản của gia đình và những người ủng hộ tôi chỉ vì một cuộc chơi kiếm tìm lợi nhuận hay danh vọng.

Chúng ta sống với những lý tưởng nhất định của mình. Trong một xã hội nhiều thực dụng, thì lý tưởng là điều xa xỉ và có phần viển vông. Nhưng nói bằng tấm lòng của người đã ngoài bốn mươi tuổi, phần nào đã nếm và hiểu lẽ đời, tôi làm “Cha cõng Con” như một sự trả nghĩa cho cuộc sống, cho đất nước mà tôi thuộc về.

Chúng ta đang có những câu chuyện tràn lan trên mặt báo: con đánh cha đến toé máu đầu, con giết hại cha mẹ tàn nhẫn, hài nhi bị vứt bỏ trong bãi rác, hay cha hùa cùng ông lạm dụng chính giọt máu bé bỏng một cách vô luân... Con trẻ của chúng ta sẽ lớn lên giữa những câu chuyện như thế, xã hội chúng ta sẽ dần quen với hàng ngàn câu chuyện như thế ? Và chúng có lẽ nào sẽ bào mòn tất cả chúng ta, tất cả trẻ em của chúng ta, cho đến khi mỗi người đều trở nên vô cảm?

Tôi không muốn im lặng, hay kêu gọi yếu ớt nữa. Ai cũng cần có tiếng nói của mình, và tôi là một đạo diễn, tôi chọn cách làm một bộ phim. Đó là thứ mà tôi kì vọng sẽ gieo vào lòng người xem, vào thế hệ trẻ thơ của chúng ta những hạt mầm nhân văn và cảm xúc. Đó là thứ mà tôi kì vọng sẽ kêu gọi được nhiều người cùng cất lên những “tiếng nói” bằng nhiều cách khác nhau, để chặn đứng cái “dịch bệnh” gớm ghê kia ăn mòn xã hội. Dựng nên một bộ phim thuần khiết trong veo, tôi mong mỗi người xem soi vào và bắt gặp ra mình, nhận ra mình cần phải trao đi, bộc lộ những thương yêu trước một cuộc sống mong manh và gấp gáp.

“Cha cõng Con” đã được ấp ủ cả thập kỉ. Kéo dài cho đến khi, tôi lao động, tôi vay, tôi nhờ sự giúp đỡ đủ tiền để làm được nó. Dường như khi đã tiêu đến kiệt cùng vật chất, vắt đến kiệt cùng sức lực, thì ta cũng đẩy lên vô cùng niềm hi vọng. Nếu hi vọng về một doanh thu khổng lồ phòng vé, tôi đã không chọn một bộ phim đi ngược lại với thị hiếu giật gân shock sến mà các nhà phát hành phim đang ủng hộ. Nếu cần nổi tiếng, tôi sẽ tìm ra cách để có với cái “giá” rẻ hơn nhiều so với mười mấy tỉ.

Tôi đã hi vọng tình người khắp nơi trỗi dậy, mở một lối đi cho một sản phẩm điện ảnh tử tế, được tạo ra không phải để mưu cầu cho lợi ích cá nhân. Bộ phim ấy muốn gọi ra phần trong trẻo nhất của mỗi tâm hồn, nhắc nhớ rằng cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí, để thờ ơ, nhắc nhớ rằng cuộc đời này hãy yêu thương trước khi không thể. Bộ phim ấy muốn đem giọng nói Việt lên màn ảnh xứ người, khắc hoạ hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, thuần khiết, cảnh sắc Việt Nam đẹp bất tận so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Bộ phim ấy là một phép thử với chính tôi, mong manh giữa ranh giới của danh vọng hay đức tin, lợi nhuận hay đạo lý. Và tôi vui vì mình đã dám lựa chọn những điều đúng đắn.

Nhưng hi vọng về những điều tốt đẹp cũng đang bị dập tắt. Khi dù với một động cơ trong sáng nhất, “Cha cõng Con” vẫn nhận lấy những chèn ép, tiêu cực bởi những nhỏ nhen của lòng người.

Khi có những Liên hoan phim Quốc tế đón nhận và đề cử “Cha cõng Con”, người ta đồn tôi mua giải. Vì đâu mà chúng ta phải đánh giá mình thấp thế, và vì sao họ phải đáng thương như thế khi tự cho rằng Việt Nam không thể đường hoàng so bì cùng thế giới, mà phải là mua giải?

Khi tôi nhận được lời mời công chiếu tại các Liên hoan phim nước ngoài, những đề nghị phát hành tại Châu Âu, thì trong nước các nhà phát hành phim kết luận phim của tôi không thể hút khách, thiếu những yếu tố bạo lực, cảnh nóng, kinh dị nên họ quay lưng. Điều bất ngờ là không phải là một doanh nghiệp trong nước, mà là một doanh nghiệp nước ngoài – Lotte Cinema đã nhận lời phát hành, bởi nhìn ra được mong mỏi tốt đẹp về bộ phim, và về một niềm tự hào Việt Nam ẩn chứa mà họ sẽ gắn bó một phần trong đó.

Khi một cuộc thi điện ảnh trong nước diễn ra, tôi không định tham dự bởi hay vô duyên với giải thưởng này, vì lẽ này hay lẽ khác. Nhưng tôi đã tham dự, để có cơ may quảng bá “Cha cõng Con, để từ ấy nó tạo ra thêm những lan toả như tôi kì vọng. Kết quả là một điều đáng tiếc, có thể phim của tôi chưa hay, hoặc ban giám khảo đã không hiểu hết. Và con đường của điện ảnh Việt Nam, bởi vậy mà còn rất xa mới tiệm cận được với cách nhìn của thế giới. Ai đó bảo tôi cay cú, nên là vậy. Ai bảo tôi tin rằng họ làm giám khảo là vì họ giỏi nghề.

Và rất nhiều những nỗ lực dìm “Cha cõng Con” xuống, bởi đe doạ tới danh vọng, vị trí. Người ta chỉ nhìn thấy bộ phim này đe doạ đến doanh số mà bộ phim họ đang đỡ đầu ra sao, ảnh hưởng tới uy thế của họ thế nào, và họ tìm cách phải bức tử được nó. Chúng tôi nhận về những hợp đồng chiếu phim với số rạp rải rác, những khung giờ chiếu xấu, và hỏi rằng, có lẽ nào chúng tôi đã sai?

Có lẽ nào chúng tôi sai khi từng phải liều cả mạng sống để kể một câu chuyện bình dị, tối giản nhưng ẩn chứa bão tố. Có lẽ nào chúng tôi sai khi đổ mười mấy tỉ vào đầu tư chất lượng, thay vì đổ vào truyền thông, hay những yếu nhân hút khách, những chi tiết giật gân rẻ tiền. Có lẽ nào chúng tôi sai, khi đã đi ngược lại với thị hiếu của một phần giới trẻ, vốn đã quen với những dạng phim “fastfood mà thiếu thốn bộ phim nuôi dưỡng tâm hồn và xúc cảm. Và có lẽ nào chúng tôi sai, khi đã kì vọng bộ phim sẽ đến được với những người cần xem, để cảnh tỉnh về những khoảng khắc quý giá đời người cần trân trọng.

Tôi đã hạnh phúc khi những người xem phim xong nói rằng, họ muốn được về ngay để ôm con của họ. Nhưng tôi cũng đã đau, khi bộ phim vẫn còn chưa thể đến được với rất nhiều người nó cần phải đến, bởi những rào cản ích kỉ.

Chúng tôi là người làm phim, thay vì chỉ đáp ứng thị hiếu như làm ra một món ăn nhanh dễ bán dễ quên, chúng tôi nên làm ra những “món ăn” thực sự tinh tế và thay đổi mọi người. Đó là một hành trình xa và bởi không chỉ một vài người như tôi, mà cần có hàng triệu cánh tay của người Việt Nam giúp sức, và đón nhận nó với tinh thần cao thượng nhất. Những bộ phim Việt ra đời, không phải để kèn cựa nhau, đạp lên nhau mà nổi. Đỉnh cao nào được xây chỉ bởi một bậc thang. Uy tín của nền điện ảnh Việt Nam, không thể chỉ từ một cánh tay bồi đắp.

Xin hãy nhìn về bộ phim với cách nhìn bớt toan tính, chúng tôi muốn thấy những giọt nước mắt của lương tri và những nụ cười khi nhận ra còn có quá nhiều điều quý giá cần trân quý trước khi không thể. Và mong bạn có một hành động xác đáng hơn, cổ vũ những người làm phim như chúng tôi, còn có cơ hội ngày sau làm thêm được những bộ phim tử tế, tự hào hơn cho đất mẹ Việt Nam.