Đánh đu với con nhà giàu

TP - Thu quỹ hoạt động lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn chê ít. Đó là nỗi khổ của nhiều phụ huynh có con trót học ở lớp có nhiều con nhà giàu.
Phụ huynh có nhiều thứ phải lo khi con bước vào năm học. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Vui & lo

Phụ huynh có nhiều thứ phải lo khi con bước vào năm học. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Thu hàng chục triệu đồng

Trường THPT V. ở trung tâm Hà Nội là nơi tập trung học sinh con nhà giàu. Vào năm học mới, nhiều phụ huynh trường này cho biết, họ đang chờ cuộc họp đầu năm trong trạng thái căng thẳng.

“Năm ngoái, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp thu quỹ hoạt động 500.000 đồng/học sinh/ học kỳ. Ngoài ra còn có phụ huynh hảo tâm đóng góp 10 triệu đồng. Tổng thu của lớp lên đến hàng chục triệu đồng. Vậy mà cô giáo chủ nhiệm vẫn bảo lớp này thu chẳng thấm vào đâu so với lớp khác. Còn ban đại diện cha mẹ học sinh bảo mức thu như thế vẫn thiếu trước hụt sau và “dọa” sang năm sẽ phải thu nhiều hơn”, chị L., một phụ huynh có con học lớp 11 của trường kể.

Theo nhiều phụ huynh của các trường có tiếng khu vực nội thành, quỹ phụ huynh lớp thu 500.000 đồng/ học kỳ là mức khá phổ biến. Cấp học càng thấp thì mức thu càng tăng.

Một phụ huynh có hai con học ở hai trường Tiểu học Kim Liên, THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết, phụ huynh các lớp nghe ngóng thông tin của nhau rồi căn cứ vào đó mà thu. Lớp nào cũng sợ cô giáo chủ nhiệm đánh giá là phụ huynh không nhiệt tình nếu thu ít hơn lớp khác. Tiếng là tự nguyện nhưng ít ai dám phản đối.

Một phụ huynh có con học khối THCS ở trường THPT Hà Nội – Amsterdam than thở: “Đã chấp nhận cho con vào học những trường lắm con nhà giàu như trường con tôi thì phải nhắm mắt mà đóng tiền theo người ta. Họ đẻ ra nhiều lý do để chi, nhưng nặng nhất vẫn là khoản tặng các thầy cô nhân dịp lễ, tết”.

Anh Th., phụ huynh một trường THPT có tiếng ở quận Long Biên kể: “Đầu học kỳ I năm ngoái, lớp con tôi cũng thu quỹ phụ huynh 500.000 đồng/ học sinh. Sang học kỳ II, khi ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đề xuất thu thêm 500.000 đồng, chúng tôi đề nghị phát cho mỗi phụ huynh một bản kê các khoản chi học kỳ I. Nhưng họ bảo đây là vấn đề tế nhị, phụ huynh thông cảm”.

Nhiều cách giải thích lọt tai

Trước khai giảng năm học 2011 – 2012, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản chấn chỉnh lạm thu. Trong đó yêu cầu phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh không dùng để hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tuy nhiên, văn bản này tiếp tục “bật đèn xanh” cho các trường nhận đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Số tiền đóng góp của mỗi học sinh tặng thầy cô trong dịp lễ, tết không lớn. Nhưng cộng các khoản lại, số tiền mỗi lớp phải chi nhiều khi lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm”. Hiệu trưởng một trường THPT nói.

Theo đó, được phép huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao... hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học.

Nhiều hiệu trưởng cho rằng, ưu điểm duy nhất của văn bản mới là “cắt” đi khoản chi quà tặng trong các dịp lễ lạt cho giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Văn bản này tỏ ra bất lực trước việc “núp bóng” ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản lắp điều hoà, mua máy tính cho giáo viên, máy chiếu, trang bị nội thất lớp học...

“Hiệu trưởng người ta có nhiều cách giải thích lọt tai các đoàn kiểm tra lắm. Nào là phụ huynh tha thiết yêu cầu, 100% phụ huynh tự nguyện, ai cũng có đơn. Lý giải tại sao mức thu đồng đều, họ cho rằng đó là tâm lý chung, cũng giống như ủng hộ đồng bào bão lụt, người sau thấy người trước đóng bao nhiêu thì đóng theo. Cả trường chỉ cần một vài phụ huynh đóng trội lên là họ có cớ khẳng định mức thu “tuỳ tâm” nên càng không thể nghi ngờ tính tự nguyện của khoản thu”, trưởng phòng GD&ĐT một quận ở Hà Nội cho biết.

Theo bà Nguyễn Ngọc Diệp, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các quận/huyện thực hiện văn bản chấn chỉnh lạm thu của Bộ GD&ĐT. Sau khi các trường họp phụ huynh, Sở sẽ đi kiểm tra. Nơi nào thực hiện không đúng hướng dẫn, sẽ yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh. Tuy nhiên, Hà Nội chưa ban hành văn bản nào quy định mức thu quỹ phụ huynh học sinh.

Một cán bộ phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, Phòng sẽ chỉ đạo các trường “thu đủ chi” và không chi sai quy định. Nhưng chính cán bộ quản lý giáo dục cũng không hình dung ra ban đại diện cha mẹ học sinh sử dụng nguồn quỹ này thế nào.

“Nếu chi cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ cũng chỉ cần tiền chè nước cho hai dịp họp phụ huynh đầu năm và cuối năm. Chỉ e rằng cứ cấm khoản này đại diện phụ huynh và hiệu trưởng lại đẻ ra khoản khác”, một phụ huynh trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân bức xúc.

Theo Báo giấy