Đằng sau quyết định sa thải Ngoại trưởng Tillerson của ông Trump

TPO - Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc đấu quyền lực trong Nhà Trắng là nguyên nhân cốt yếu khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Ảnh: CNN

Tiết lộ quá trình Ngoại trưởng Rex Tillerson bị sa thải

Các phương tiện truyền thông của Mỹ tiết lộ, ngày 9/3, tức là sau 1 ngày đưa ra quyết định lịch sử đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Trump đã có ý định cắt chức Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đối với ông Rex Tillerson thông qua một thông báo ngắn gọn trên trang cá nhân Twitter.

Tuy nhiên, ý tưởng này của ông Trump đã bị Cố vấn cấp cao Nhà Trắng John Kelly ngăn lại.

Sau sự kiện này, Tổng thống Trump lập tức tới khu nghỉ dưỡng. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 10/3, Cố vấn cấp cao John Kelly đã gọi điện cho Ngoại trưởng Rex Tillerson lúc đó đang nghỉ tại khách sạn ở Kenya trong chuyến công du châu Phi. Trong cuộc điện thoại, ông John Kelly đã thông báo với ông Rex Tillerson rằng, Tổng thống Trump "rất không hài lòng".

Mục đích ông John Kelly nhắc nhở Ngoại trưởng Ngoại trưởng Mỹ là để cho ông Tillerson có sự chuẩn bị về mặt tâm lý để đối mặt với "cơn thịnh nộ" của Tổng thống Trump.

Sau khi nhận được tin từ ông John Kelly, ngoại trưởng Rex Tillerson được cho là đã rất sốc và cảm thấy "cơ thể mệt mỏi, cần được tĩnh dưỡng". Sau đó, ông Tillerson đã quyết định rút ngắn chuyến thăm châu Phi và trở về nước sớm hơn dự định.

Và đúng như thông báo của ông John Kelly, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson từ châu Phi bay về Washington chưa đầy 4 giờ đồng hồ, ông Trump đã lập tức thông báo trên trang cá nhân Twitter về quyết định sa thải ông Tillerson.

Tuy nhiên, cách thức mà ông Trump sa thải Ngoại trưởng Mỹ đã khiến cho ông Tillerson cảm thấy như là một "sự sỉ nhục". Bởi Ngoại trưởng Mỹ chỉ biết được tin tức mình bị sa thải thông qua các thông tin trên Twitter mà các trợ lý của mình thông báo.

Cuộc đấu quyền lực trong Nhà Trắng?

Thực ra, ý định "thay ngựa giữa dòng" của Tổng thống Trump đã manh nha từ cách đây hơn nửa năm. Cách đây hơn 6 tháng dư luận Mỹ đã có nhiều đồn đoán về việc Ngoại trưởng Mỹ sẽ bị cắt chức, và rất nhiều nhân vật thuộc đội ngũ cố vấn của ông Trump "thèm muốn" chiếc ghế đầy quyền lực này.

Phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là do hai bên có nhiều bất đồng trong các quan điểm về đối ngoại. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ  liên tục đưa ra những phát ngôn không đồng nhất với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong đó giới phân tích cho rằng, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phạm phải một sai lầm lớn nhất đó là đã tự ý phát biểu bày tỏ thái độ về cuộc đối thoại với Triều Tiên vào hồi năm ngoái khi chưa được sự đồng ý của Tổng thống Trump.

Bởi theo quy định của Nhà Trắng, trong vấn đề đối thoại với Triều Tiên, bất cứ hành động nào được cho là mang tính "mở đường" đều phải được phát ra từ chính tiếng nói của Tổng thống, và những người khác chỉ là chấp hành mệnh lệnh.

Ngoài ra, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng cũng có nhiều sự khác biệt về quan điểm trong rất nhiều vấn đề ngoại giao quốc tế như vấn đề thuế gang thép và việc ông Trump quyết định rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế.

Đặc biệt, việc Ngoại trưởng Mỹ Tex Tillerson bị cắt chức còn liên quan tới cuộc đấu đá quyền lực ngay trong các đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Tex Tillerson được giới phân tích ví như là "nhân sĩ cô độc" trong Nhà Trắng. Bởi xung quanh ông toàn là những nhân vật có quan điểm khác biệt với ông trong xử lý các vấn đề đối ngoại.

Đơn cử như Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley luôn thể hiện sự "vượt mặt" ông Tillerson khi hàng tuần đều tự ý bay về Washington gặp Tổng thống Trump mà không báo cáo với ông Tillerson.

Hay cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner là người chi phối mọi hoạt động trong quan hệ Mỹ-Trung, các vấn đề Trung Đông và quan hệ với Mexico, trong khi đó theo thông lệ Ngoại trưởng Mỹ mới là người phụ trách vấn đề này.

Đặc biệt, mối quan hệ trao đổi rất thường xuyên giữa Tổng thống Trump với cố vấn an ninh Nhà Trắng H.R. McMaster cũng khiến cho ông Tillerson cảm thấy bất mãn. Tất cả những vấn đề này khiến cho vai trò của ông Tillerson bị phai nhạt.

Như vậy, việc Ngoại trưởng Mỹ Tex Tillerson bị sa thải theo cái cách mà "người trong cuộc không thể tin nổi" vừa phản ảnh những mâu thuẫn không thể hàn gắn giữa Tổng thống Trump với bản thân ông Tillerson.

Điều quan trọng hơn là quyết định này đã phản ánh sự đấu đá quyền lực khốc liệt trong Nhà Trắng. Và trong cuộc đấu tranh quyền lực tại Nhà Trắng, Ngoại trưởng chính là "vật tế thần" lớn nhất.