Ông Tập nói, sẵn sàng thi hành những gì ông và ông Trump đã đạt đồng thuận trong “nỗ lực chung đẩy mạnh quan hệ Trung - Mỹ, thông qua phối hợp, hợp tác và ổn định để mang lại lợi ích tốt hơn cho hai dân tộc”. Ông Trump nói ưu tiên của mình là thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung “hợp tác và xây dựng”.
Trong khi đó cựu quan chức thương mại Mỹ, nhà thương thuyết hàng đầu Charlene Barshefsky cho biết Trung Quốc đã “rời xa” các cam kết, mở đường cho một cuộc chiến thương mại.
“Hợp tác là lựa chọn tốt nhất”
Lịch sử cho thấy hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho đôi bên, ông Tập Cận Bình nói với tổng thống Mỹ trong điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh.
Tháng trước, hai nước đồng ý “đình chiến” trong 90 ngày để có thời gian tổ chức các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các tranh chấp thương mại dẫn đến việc áp thuế đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của cả đôi bên.
Theo Tân Hoa Xã, trong điện gửi tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc nói quan hệ song phương đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm nhưng trong vòng bốn thập kỷ qua đã đạt được những tiến bộ lịch sử. Việc này đã đem lại lợi ích to lớn cho hai dân tộc và góp phần vào hòa bình thế giới, ổn định và thịnh vượng, ông Tập nói.
“Lịch sử đã chứng minh hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên”, ông Tập được trích lời.
Ông nói thêm rằng, quan hệ Mỹ-Trung đang ở một giai đoạn quan trọng. “… Và tôi sẵn sàng làm việc với tổng thống Trump để tổng kết các kinh nghiệm trong việc phát triển quan hệ Trung-Mỹ và thi hành những gì chúng ta đã đạt đồng thuận trong nỗ lực chung đẩy mạnh quan hệ Trung -Mỹ, thông qua phối hợp, hợp tác và ổn định để mang lại lợi ích tốt hơn cho hai dân tộc, cũng như những dân tộc khác trên thế giới”, điện của ông Tập viết.
Đáp lễ, ông Trump cũng gửi điện chúc mừng, nói rằng ưu tiên của ông là thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung “hợp tác và xây dựng”, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.
Ngoài gửi điện chúc mừng, ông Tập và ông Trump cũng trao đổi qua điện thoại hồi cuối tuần vừa qua. Theo Reuters, ông Trump thuật lại rằng ông đã có “cuộc điện đàm dài và rất tốt đẹp” với ông Tập và rằng một thỏa thuận dự kiến về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển tốt.
Đôi bên đã lên kế hoạch tham vấn song phương về thương mại vào tháng 1 này, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tân Hoa Xã, trong một bài bình luận, nói việc hai nước có bất đồng và khác biệt là tự nhiên, bởi “khác biệt hệ thống xã hội, quá trình phát triển cũng như nền tảng văn hóa”.
“Rời xa quy tắc thị trường”
Mặc dù hai nhà lãnh đạo dùng nhiều lời lẽ tốt đẹp để nói về quan hệ song phương, bà Barshefsky cho rằng Trung Quốc đang dần rời xa những cải cách thị trường và những hành vi thương mại của họ trong một thập kỷ qua và “rất khó chịu”.
Cựu đại diện thương mại Mỹ trong một cuộc trả lời phỏng vấn về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và mối quan hệ với Washington, đổ lỗi cho Bắc Kinh, rằng những hành vi “rời xa quy tắc thị trường và sự thờ ơ của các chính phủ Mỹ tiền nhiệm đã dẫn đến bế tắc hiện tại”.
“Trung Quốc đã chọn đi một lối đi khác (thay vì cải cách thị trường) đơn giản là ứng xử với thị trường của họ theo cách mà họ muốn, không quan tâm đến các luật lệ hay cam kết quốc tế và do đó xâm phạm quyền lợi của các nước là đối tác thương mại với Trung Quốc”, bà Barshefsky bình luận về phương hướng kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn giữa thập niên 2000, theo tường thuật của SCMP.
Bà Barshefsky là nhà đàm phán thương mại trong chính quyền tổng thống Clinton từ năm 1997-2001, quan chức Mỹ chủ chốt xây dựng hiệp định song phương ký tháng 11/1999, cho phép các công ty Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đó.
Đây là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, thúc đẩy quốc hội Mỹ vào năm 2000 thông qua luật bình thường hóa quan hệ thương mại Trung - Mỹ, mở đường cho Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại quốc tế WTO. Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cải cách hệ thống kinh tế do chính quyền chi phối. Nhưng theo Barshefsky, những hy vọng này đã tắt dần kể từ năm 2006, khi Trung Quốc quay lưng với các cải cách thị trường và thực thi chính sách, theo mô tả của vị cựu đại diện Mỹ, là phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Mặc dù là người ủng hộ giải quyết tranh chấp thương mại bằng các biện pháp đa phương, bác bỏ hầu hết lý luận của ông Trump về cuộc chiến thương mại, bà Barshefsky cho rằng các chính quyền Mỹ tiền nhiệm “có một phần lỗi” dẫn đến “các vụ nổ hiện nay” trong quan hệ Mỹ-Trung.