Đăng ký tuyển sinh: Cẩn trọng tổ hợp 'lạ'

TPO - Năm 2018 và năm 2019 các trường đại học sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Chính vì vậy, thí sinh cần cân nhắc khi lựa chọn tổ hợp để đăng ký.

Từ ngày 15/6, thí sinh trên cả nước bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho biết theo quy định tại Quy chế tuyển sinh hiện hành thì nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định:

Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).

Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh;

Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, nhiều trường đã kết hợp để tạo ra các tổ hợp, đặc biệt là với các tổ hợp có môn năng khiếu.

Theo bà Thủy, năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.

Năm 2018 và năm 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường.

Hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp.

"Các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và rất ít thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng (trừ các ngành liên quan đến năng khiếu)", bà Thủy nói.

Bà Thủy thông tin năm 2018 và 2019 có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống đã nêu.

Như đã nói ở trên, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.

Những năm trước đã xảy ra tình trạng một số trường xét tuyển tổ hợp "lạ" khi các ngành học kỹ thuật như chế tạo máy, công nghệ thông tin, xây dựng… hoàn toàn mang yếu tố tự nhiên nhưng lại xét tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân... 

Hay như ngành kiến trúc, thiết kế nội thất đều là những ngành học có tính chuyên biệt cao nhưng lại tuyển tổ hợp Toán - Lý - Hóa và Toán - Văn - Anh. Đáng ra những khối ngành liên quan đến mỹ thuật này luôn đòi hỏi xét tuyển sinh từ năng khiếu về hội họa. Rồi lại có trường xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa cho ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng...