Bao thế hệ người Rục đã sống trong hang đá, giờ đây họ đã hạ sơn nhưng những tập tục, đặc biệt là cách chữa bệnh đầy lạ lẫm, kỳ bí và rất hiệu quả khiến người chứng kiến sởn da gà. Dường như giữa họ và rừng Trường Sơn có một mối ân tình sâu thẳm.
Hơi hướng mẫu quyền
Sống giữa nơi thâm sơn cùng cốc nên người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Trong đó phải kể đến cái chuyện “kết mối tơ hồng” của họ cũng rất đặc biệt.
Người có vợ, có chồng, không thích nhau là ai về nhà nấy. Dù đã có con nhưng những người phụ nữ Rục vẫn “toàn quyền” được tự do yêu đương và lấy bất cứ một người đàn ông nào khác trong bản.
Trẻ em của người Rục
“Quan chức” người Rục đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Cao Tinh, nguyên Trưởng bản Mó. Ông Tinh giờ, tóc đã bạc trắng, nhưng nom ông còn khỏe lắm.
Ông vừa đi uống rượu mừng đám cưới của đôi trẻ trong xóm. Ở đây nhà nào có công to việc lớn là cả bản kéo đến nhà uống rượu 2-3 ngày liền.
Tinh thần “đại đoàn kết” của những năm tháng sống nơi rừng hoang, hang đá vẫn luôn là điều thượng tôn mà bất kỳ một công dân người Rục nào cũng phải tuân theo.
Đám cưới của người Rục giờ cũng có nhạc sống đập rung cả cây rừng, nhạc, đèn nhấp nháy chẳng kém cạnh gì các đôi uyên ương ở miền xuôi.
Nhắc đến chuyện lấy nhau của trai gái người Rục, ông Cao Tinh tỏ ra tự hào. “Bố đã từng làm công tác xã hội nhiều năm, nên bố có nghe được chuyện trai gái ở dưới xuôi tìm hiểu nhau. Các vụ phá thai xảy ra như cơm bữa hoặc cha mẹ ép gả con cái, ở đồng bào Rục đây chưa từng có chuyện đó” - Ông Tinh khẳng định.
Bên bếp lửa đỏ rực, giọng kể của ông Tinh như chìm trong làn sương chiều. Những cơn gió lạnh đầu mùa đã luồn qua vách gỗ, vậy mà ông Tinh chỉ mặc độc manh áo mỏng.
Hỏi về chuyện trai gái người Rục tìm hiểu nhau, ông Tinh không giấu giếm, đời bố mẹ tôi cũng như đến đời tôi và giờ là lớp trẻ cũng vẫn tự do được tìm hiểu nhau.
Ngày tôi còn ở rừng, 14-15 tuổi tôi cùng đám trai bản đã kiếm gái rồi. Những sơn nữ ngực mới nhú bằng núm cau cũng đã biết hẹn hò. Bố mẹ để cho đôi trai gái tự do yêu đương, tìm hiểu nhau. Nếu “ưng cái bụng” là dẫn nhau vào rừng, bất chấp sương đêm khỏa lấp.
Đường vào bản Rục xa xôi, hiểm trở
Trai gái tự do “tâm sự” và họ hoàn toàn yên tâm, không lo để lại hậu quả vì bà con nơi đây có loại lá thuốc tránh thai rất tốt. Con gái mới lớn, má hồng, môi đỏ là các bà mẹ chỉ cho biết loại lá đó đeo vào người. Có lẽ đây cũng là lý do giải thích vì sao, dân của đồng bào Rục không tăng nhiều khi họ được phép đẻ “thả phanh”.
Đấy là cái chuyện ngày còn ở hang đá, rừng rú, giờ người Rục đã hạ sơn nên phong tục kia có đổi thay đôi chút. Nhà cửa của họ đều do Nhà nước xây cho.
Do vậy, mỗi khi trai gái có nhu cầu tìm hiểu nhau, bố mẹ dựng cho một cái lán nhỏ ở cạnh nhà. Mỗi khi mặt trời buông, cố gái “bật tín hiệu” cho chàng trai đến nhà bằng cách đặt vài cái lá trước cửa hay treo một bông hoa rừng bên liếp.
Cứ như thế sau nhiều đêm “tâm sự”, tâm đầu ý hợp là đôi trai gái dẫn nhau đến thưa chuyện với bố mẹ đẻ là họ muốn về “góp gạo thổi cơm chung”.
Một số người Rục vẫn thích sống ở hang đá
Các bậc phụ huynh, chẳng góp ý hay phản đối mà chỉ có mỗi việc là gật đầu cho đôi trẻ tìm hiểu nhau. Trước khi tổ chức lễ cưới, đôi trẻ còn được tự do 6 ngày.
Đầu tiên là cô gái đến ở nhà trai 3 ngày ngoài cái lán nhỏ. Họ sống thử với nhau như vợ chồng. Sau đó, chàng trai về nhà cô gái ở 3 ngày nữa.
Trong 6 ngày thoải mái tìm hiểu nhau “từ A đến Z” đó, nếu họ không thích, hay không hợp nhau thì đường ai nấy đi, nếu ưng nhau thì gia đình 2 bên tổ chức đám cưới.
Bỏ nhau nhẹ tựa lông hồng
Các đôi trai gái người Rục thường lấy nhau ở độ tuổi từ rất sớm 15-16 tuổi, thậm chí có cô bé 14 tuổi đã về làm dâu nhà người. Họ hồn nhiên đến với nhau và bỏ nhau cũng dễ dàng như thay áo vậy.
Đến thăm nhà chị Thanh (tên nhân vật đã được đổi) đã có 3 đứa con ở bản Mó. Chị Thanh mới ngoài 30 tuổi nhưng đã qua 2 đời chồng. Trong số 3 đứa con của chị, có 1 đứa của chồng trước và 2 đứa của chồng sau.
Chắc cũng chỉ có những người ở nơi khác đến nhà chị mới quan tâm đến điều đó, chứ bà con nơi đây chẳng ai bận tâm. Với họ, trong 1 gia đình có thể có con anh, con tôi và con chúng ta, họ vẫn sống hạnh phúc.
Chị kể, khi người sơn nữ đã biết “yêu rồi”, thích chàng trai nào thì rủ nhau vào rừng. Tâm sự vài đêm, nếu không thích thì chuyển chàng trai khác. “Miềng chẳng lo có em bé đâu vì mẹ chỉ cho cây lá rừng tránh thai rồi”, Thanh tự tin nói về quá khứ yêu đương của mình.
Năm 15 tuổi Thanh đã đồng ý về làm dâu nhà anh Thinh cùng bản. Ở với nhau được một thời gian, họ đã sinh được 1 cô con gái. Vợ chồng trẻ đều nghỉ học sớm, họ vẫn coi việc săn bắn, hái lượm là phương thức chính để sinh tồn.
Ngoài thời gian trồng sắn, trồng ngô, Thinh vào rừng săn bắn. Thi thoảng vác được con thú về nhà là mấy anh em lại ăn uống no say. Người Rục nơi đây uống rượu rất giỏi, gạo Nhà nước phát cứu đói cho dân, đôi khi bị mang đi đổi lấy rượu.
Uống nhiều rượu nên tính tình Thinh thay đổi, không còn yêu vợ như trước nữa. Chứng kiến cảnh bệ rạc của chồng, Thanh đã không muốn sống với người đó nữa. Một hôm Thanh nói chuyện với chồng là “chúng ta chia tay”.
Người Rục vẫn thích sống trong hang đá
Nghe vợ đề đạt nguyện vọng, Thinh đồng ý luôn. Thế là tình duyên họ cắt đứt từ đó. Thanh ôm con về nhà bố mẹ đẻ ở. Mọi chuyện diễn ra rất đơn giản, chẳng ai giận và níu kéo nhau lại làm chi cho mệt.
Ở với bố mẹ được một thời gian Thanh phải lòng một chàng trai tân trong bản. Chàng trai này cũng yêu Thanh. Họ tìm hiểu một thời gian rồi làm cái lễ ra mắt họ hàng 2 bên, thế là họ nên vợ nên chồng. Chàng trai này sẵn sàng đón luôn người con của Thinh về ở cùng và coi nó như con của mình.
Những ngày ở với bà con người Rục, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện khó tin về hôn nhân của trai gái người Rục. Họ đến với nhau dễ dàng bao nhiêu, khi họ chia tay cũng “nhẹ tựa lông hồng”.
Những đôi vợ chồng nhí đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đó hồn nhiên như cây rừng đã cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung”. Nhiều khi họ bỏ nhau vì những lý do cỏn con như chồng hay ngủ với bố mẹ, không chịu ngủ với vợ...
Những năm trước đây, hầu hết các đôi trai gái người Rục không đi đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Các đôi trai gái bỏ nhau dễ dàng nên họ cũng rất thoải mái khi tiếp cận một mối tình mới.
Nhiều cô gái bỏ chồng hôm trước, có khi hôm sau lại gặp được chàng trai ưng ý là gật đầu đồng ý luôn. Các chàng trai người Rục nơi đây cũng rất “rộng lượng”, cô gái nào chẳng may lỡ dở chuyện tình duyên, họ coi đó là chuyện thường.
Nếu có tình ý là họ đến tìm hiểu, người chồng cũ cũng chẳng lấy chuyện đó mà ghen tuông gì cả. Cách nhà Thanh không xa là nhà của Cung.
Chị này còn có hoàn cảnh đặc biệt hơn Thanh là, trước khi về ở với người chồng thứ 2 chị này đã có 2 đứa con, người chồng của Cung cũng đã có 1 con. Họ về ở với nhau được 2 năm có thêm 1 đứa con chung nữa. Con ông, con tôi, con chúng ta cùng ở chung một nhà coi nhau như anh em. Vợ chồng Cung coi đó là con chung của 2 người, không ai được phân biệt đối xử gì cả.
Người nắm giữ “bảo bối” của đại ngàn
Người Rục sống bao năm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, thức ăn họ lấy từ rừng và khi ốm đau họ cũng trông vào những lá thuốc ở rừng. Đã là người Rục thì ai cũng biết cây thuốc nhưng ông Cao Tinh ở bản Ón, xã Thượng Hóa được người dân nơi đây phong là thần y. Ông Tinh cũng là một pho sử sống về các loài cây thuốc ở chốn thâm sơn cùng cốc này.
Nhà ông Cao Tinh ở giữa bản. Hôm chúng tôi đến nhà, ông vừa đi uống rượu mừng một đôi trai gái trong bản về. Ông Tinh luôn tự hào là năm nay đã ngoài 60 tuổi mà chưa một con ma bệnh nào “bắt” được ông ốm.
Dáng ông nhỏ thó, nhưng nom nước da còn tươi nhuận. Giọng nói vẫn vang, rền. Ông Tinh tính tình sôi nổi và dễ gần. Từng là Trưởng bản Ón nên ông nói tiếng phổ thông rất thạo.
Vừa gặp chúng tôi, ông đã đưa tay ra bắt. Cái nắm tay rõ chặt và ấm. Dưới gian bếp nhà ông để nhiều cây thuốc khác nhau. Loại thân gỗ hay dây leo có đủ cả.
Sau tuần trà, hỏi ông về các bài thuốc dành cho cánh mày râu, ông Tinh cười tủm với vẻ mặt đầy bí ẩn: “Lạ thật. Các chú ở mô đến đây cũng thích nói về loài thào dược tăng sức mạnh đàn ông đó”.
Thần y Cao Tinh
Ông Tinh còn kể, mọi người hỏi rồi xin về. Qua nhiều lần tiếp các đoàn khách như thế, ông Tinh còn rút ra một kết luận mang đầy tính “khoa học” rằng, nam giới dường như ngày càng “yếu” hơn về cái “khoản” đó.
Là người dân tộc Rục nhưng ông Tinh lại lấy vợ là người dân tộc A Rem ở xã Tân Trạch - nơi nằm giữa Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Trước đây, bố mẹ và dòng tộc nhà ông Tinh sống ở trong hang đá.
Quanh năm vào rừng săn bắn, hái lượm chứ không sống tập trung cả bản như bây giờ. Trẻ con người Rục khi đó sinh ra dùng áo quần bằng lá cây.
Chỉ sau vài ngày đã được bố mẹ địu sau lưng để đi kiếm ăn. Ông Tinh cũng vậy, năm lên 5 tuổi ông đã biết căng dây cung. Lên 10 tuổi ông đã thuộc đường ngang ngõ tắt trong rừng và trở thành một thợ săn có hạng. Năm 15 tuổi, ông thuộc nằm lòng các loài cây độc, cây có ích trong rừng. Cũng trong năm đó, ông đã lấy vợ người A Rem.
Ông Tinh là người nhanh nhẹn lại thông minh, ông lấy vợ là người A Rem tựa như được chắp thêm cánh để ở rừng. Ông được người A Rem truyền lại rất nhiều bài thuốc hay.
Chẳng bao lâu sau ông đã học được những phương thức chữa bệnh bí truyền của cả 2 dân tộc. Phương pháp “thổi” bệnh ông cũng có thể làm được.
Người ta biết đến ông nhiều hơn từ khi ông tham gia hạ sơn do các chiến sĩ đồn biên phòng Cà Xèng vận động. Từ việc chỉ chữa cho bà con trong dân tộc mình, ông còn chữa bệnh cho nhiều người ở dưới xuôi rồi cả các chiến sĩ biên phòng nữa.
Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc danh tiếng của ông Cao Tinh đã lan ra khắp vùng. Từ những công nhân làm đường, đến những vị khách phương xa muốn tìm hiểu về dân tộc Rục đều tìm đến ông.
Ông Tinh tự hào nói về khả năng nhớ siêu phàm của mình. Trong rừng Trường Sơn có hàng nghìn loài cây. Trong đó có nhiều cây chữa được bệnh.
Việc quan trọng của thầy thuốc là phải biết lấy liều lượng như thế nào cho phù hợp. Các loài thảo mộc mọc trên núi đá nơi đây rất công hiệu. Đây cũng là lý do giải thích vì sao, ông Tinh đã lấy cây chữa bệnh là đỡ.
Nhìn quanh cái bếp nhỏ của ông Tinh treo nhiều loài cây khác nhau, có cả những cây khô gác trên bếp. Ông Tinh hạ từng loại cây xuống và giảng giải tỉ mỉ, “xót xàng súng” là cây chuyên chữa sỏi thận, “cứng cạ”, “neo cơ” có cái cành khẳng khiu này chữa gan rất hiệu nghiệm...
Cây dây leo có tên là “hoa mua” lá màu xanh giúp đàn ông khỏe lên. Không chỉ có những bài thuốc cho giới mày râu, ông Tinh còn biết nhiều loại cây chữa cho chị em phụ nữ nữa.
“Rừng Trường Sơn là một kho thuốc khổng lồ. Trong đó còn có cả loại lá phòng tránh thai hiệu quả lắm. Những cháu gái người Rục lớn lên là được mẹ chỉ cho biết thứ lá cây đó. Chúng chỉ cần đeo vào tay hoặc dán vào lưng, bên hông là không bao giờ có thai được”, ông Tinh cho biết.
Suốt cả buổi nói chuyện với ông Tinh về các loài cây trong rừng Trường Sơn mà ông chưa thể thống kê hết. Điều khiến tôi khâm phục là suốt mấy chục năm qua, ông Tinh làm phúc cứu người, chữa bệnh nhưng không đòi hỏi công cán.
Mọi người lấy thuốc có người biếu ông vài chục nghìn, có người biếu ông chai rượu. Ông bảo, thần rừng cho tôi lộc, tôi lại mang lại niềm vui cho mọi người. Niềm vui của bà con cũng là niềm hạnh phúc của tôi.