Hiện thực hóa quy hoạch không gian biển quốc gia
Sáng 16/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với UBND TP Nha Trang, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP) tổ chức tổ chức hội thảo tham vấn Phân vùng chức năng vịnh Nha Trang gắn với phát triển sinh kế bền vững cho Bích Đầm. Hội thảo nằm trong khuôn khổ kế hoạch của dự án “Thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng, khối tư nhân với cơ quan Nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà".
Phát biểu dẫn đề hội thảo, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, cho biết: Quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Quốc hội thông qua và hiện đang được triển khai ở các bộ, ngành và địa phương có biển. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn “lúng túng”liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cần một công cụ hỗ trợ kỹ thuật để cụ thể hóa, hiện thực hóa quy hoạch không gian biển quốc gia ở cấp độ địa phương, ngành chính là phân vùng chức năng biển.
Theo ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên tắc phân vùng chức năng biển vịnh Nha Trang phải bảo đảm tương thích với các quy hoạch quốc gia có liên quan tới không gian vịnh, tương thích với quy hoạch tỉnh Khánh Hoà và TP Nha Trang, nhất là các phân khu chức năng của dải ven biển của vịnh Nha Trang, phù hợp các mục tiêu bảo tồn đối với vịnh Nha Trang vùng lõi, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển cộng đồng và vùng đệm. Từ đó cân nhắc phương án phân vùng chức năng biển cho phân khu bảo tồn biển Hòn Mun - Bích Đầm.
Trong khi đó, TS. Hồ Văn Thệ - Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết: Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển là được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng. Phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển là vùng triển khai hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển. Riêng vùng đệm của khu bảo tồn biển là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển bao quanh hoặc tiếp giáp với ranh giới trong của khu bảo tồn nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài đối với khu bảo tồn.
Vì thế, ông Hồ Văn Thệ đề xuất UBND TP. Nha Trang chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan xây dựng và triển khai cơ chế hợp tác liên ngành để tập trung giải quyết các xung đột chồng lấn hiện tại và tương lai trong sử dụng không gian vùng bờ. Từ đó, việc khai thác và sử dụng không gian vùng bờ cho phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, bảo tồn và phục hồi cảnh quan, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển sẽ hợp lý và hiệu quả hơn.
Phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Bích Đầm
Tại hội thảo, các đại biểu đã những góp ý xoay quanh các vấn đề như: khai thác và nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển Bích Đầm trong phân vùng chức năng vịnh Nha Trang, thực hiện du lịch cộng đồng nhưng không làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, biên giới hải đảo, an ninh trật tự tại Bích Đầm. Tham gia hội thảo, người dân tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cũng bày tỏ sự đồng tình với đề án hỗ trợ sinh kế cho bà con vùng biển Bích Đầm. Đồng thời mong muốn cơ quan nhà nước hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là kéo lưới điện cho bà con ở Bích Đầm, xây dựng bản đồ du lịch Bích Đầm.
Ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, gợi ý thử nghiệm tái tạo, cấy san hô vùng biển Bích Đầm, định hướng lâu dài gắn và phát triển cấy nuôi san hô với du lịch sinh thái biển Bích Đầm. Tăng cường hơn nữa công tác tuần tra xử lý các nghề khai thác hủy diệt vi phạm trong vùng biển Bích Đầm. “Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm tạo nguồn lợi thủy sản kịp thời cho vùng biển ven bờ. Đồng thời tạo ý thức, tuyên truyền cho ngư dân trong việc khai thác và bảo vệ, nuôi trồng thủy sản”, ông Đào nói thêm.
Còn ông Hoàng Anh Hào (đại diện Chi cục biển và hải đảo - Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa) đề xuất cần tạo hành lang pháp lý cho việc phân vùng chức năng vùng biển Bích Đầm. Từ đó, các cơ quan chức năng có cơ sở để cấp phép hoạt động cho các tổ chức cá nhân nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực này. Riêng về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng ở vùng biển Bích Đầm hiện còn rất nhiều khó khăn. Do đó, các đơn vị liên quan cần định hướng sao cho phù hợp với điều kiện và dân trí của người dân.
“Ngoài việc làm du lịch cộng đồng ở Bích Đầm thì cần phải tạo được nguồn thu cho người dân trong quá trình tham gia bảo vệ đa dạng sinh học. Xác định nguồn thu ở vùng biển Bích Đầm là nhờ đa dạng sinh học, nhờ cảnh quan, nhờ yếu tố tự nhiên bao gồm biển, đảo. Chỉ cần người dân tham gia bảo vệ đa dạng sinh học thì tự khắc đã có một nguồn thu rất lớn. Do vậy, hoạt động tuyên truyền phải thực hiện liên tục để người dân cùng với nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái biển, chính là bảo vệ nguồn lợi của chính họ”, ông Hào cho hay.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết: Sau khi ghi nhận các ý kiến từ các đơn vị liên quan, TP. Nha Trang sẽ hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững đầu tiên tại đảo Bích Đầm. "Chúng tôi sẽ hướng tới một mô hình du lịch cộng đồng xanh và bền vững, nơi người dân địa phương là chủ thể chính, được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch, đồng thời bảo vệ và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa của đảo", ông Minh nói.