Dân chờ chính quyền vào cuộc

TP - Việc thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ gây thiệt hại ở nhiều huyện vùng hạ du phía đông Gia Lai đã khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, để đơn vị này bồi thường thiệt hại thế nào vẫn là việc còn phải chờ chính quyền vào cuộc.

> Phải công khai quy trình vận hành hồ thủy điện
> Gia Lai: Thủy điện xả lũ, nhiều huyện thiệt hại nặng

Lũ gây ngập nhiều huyện phía đông Gia Lai.

Ông Lê Thanh Tâm- Chủ tịch UBND thị xã An Khê xác nhận: Quả thật do thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ chưa đúng quy trình, mà một số vùng ven sông Ba bị ngập gây thiệt hại lớn đối với đời sống người dân. Tuy nhiên, việc yêu cầu đền bù cần phải có cơ sở, cái nào do lũ và cái nào do thủy điện xả lũ cần phải được xác định rõ. Do thủy điện chưa làm các trạm quan trắc, cọc tiêu đo mức xả lũ nên việc xác định thiệt hại do thủy điện hiện rất khó. Địa phương chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trước đó, trong 3 ngày (từ 14 đến 16/11), thị xã An Khê và các huyện vùng hạ du như Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa phải hứng chịu cơn lũ lịch sử, nhiều nơi rơi vào thế bị động, không kịp trở tay khi lũ về. Riêng tại thị xã An Khê, thiệt hại đã được thống kê trên 13 tỷ đồng.

Theo ông Tâm, tuy thủy điện An Khê - Ka Nak có thông báo lưu lượng xả lũ nhưng đó chỉ là số liệu trên giấy, còn thực tế xả bao nhiêu thì không ai rõ. Thủy điện xả lũ nhưng do không có các trạm quan trắc để đo các mực nước nên người dân và chính quyền địa phương cũng chẳng biết lưu lượng xả chính xác là 900, 1.200 hay 2.400m3/s ? Không biết nước sẽ dâng đến đâu và đến mức nào thì cần di dời, chạy lũ!

“Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu thủy điện làm các trạm quan trắc, cắm biển báo mức nước tương đương với lưu lượng xả lũ để chủ động phòng lũ”, ông Tâm nói.

Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak bị vùi lấp do lũ.

Trong sáng 15/11, nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak (đặt tại địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) bị lũ vùi với hàng nghìn m3 đất đá khiến nhà máy ngừng hoạt động, lượng nước qua tuabin đổ về sông Côn (Bình Định) bằng 0. Do đó, mọi áp lực xả lũ của thủy điện đều dồn về cửa xả trên sông Ba, các thông báo lưu lượng xả lũ đến người dân dường như chạy sau dòng nước và hậu quả là nhiều tài sản của dân bị nhấn chìm trong nước. Theo ông Tâm, xưa nay thị xã An Khê chưa bao giờ chứng kiến một cơn lũ lớn như vậy.

Mặc dù gặp sự cố gây thiệt hại quá lớn nhưng nhà máy vẫn cố ém thông tin, nhiều huyện phía đông Gia Lai vẫn không hề hay biết cho đến khi các phương tiện truyền thông đăng tải sự việc. Ngày 22/11, nhiều lần phóng viên điện thoại liên hệ với ông Võ Lũy (Giám đốc thủy điện An Khê - Ka Nak), nhưng ông không nghe máy.

Ông Mang Viên Tý, Trưởng phòng Kinh tế (thị xã An Khê) bức xúc: Khi làm thủy điện, có hai yếu tố để thuyết phục các nhà thẩm định đánh giá tác động môi trường là cung cấp nước vào mùa nắng hạn và ngăn lũ vào mùa mưa nhưng thực tế thủy điện An Khê – Ka Nak đã làm ngược lại. Vào mùa khô, nhà máy chỉ xả xuống hạ du 4m3/s khiến người dân thiếu nước trầm trọng. Còn mùa mưa thì lại gây lũ chồng lũ!

Theo ông Phan Văn Trung - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, nhiều năm nay, các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị về thủy điện An Khê – Ka Nak ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nhưng chưa có chuyển biến gì. Chẳng thấy cấp có trách nhiệm hồi âm với dân. Về thiệt hại sau trận lũ vừa qua, tới nay huyện vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Không chỉ ở Gia Lai, nhiều năm nay vấn đề thủy điện xả lũ gây hại cho dân mùa mưa nào cũng có nhưng việc xử lý trách nhiệm dường như còn bỏ lửng, có nơi làm chiếu lệ. Trong khi ở các vùng hạ du, hàng nghìn hộ dân phải sống trong thấp thỏm, lo âu mỗi khi thủy điện xả lũ.

Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak là Công ty nhà nước trực thuộc EVN có nhiệm vụ quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện An Khê gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 80MW, nhà máy thủy điện Ka Nak gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 6,5MW. Từ năm 2011, chuỗi nhà máy Thủy điện An Khê- Ka Nak chính thức hoạt động với tổng công suất 173 MW. Trước khi ngưng chạy để sửa chữa vì sự cố lũ vùi mới đây, mỗi tuần chuỗi nhà máy này sản xuất được khoảng 26,8 triệu kWh, trả nước về sông Côn 29,6 triệu m3, lưu lượng xả gần 49m3/s.

Theo Báo giấy