Có thể nói “văn hóa” rượu bia của người Việt khá phong phú và đa dạng với tần suất cũng như mức độ ngày càng nhiều. Tiệc cưới, mừng thôi nôi, về nhà mới hay kể cả ma chay, rồi có khi chỉ đến nhà chơi, lâu ngày không gặp, cuối tháng, cuối năm, vui, buồn…đều có thể “nhậu”. Người thích uống rượu, tửu lượng cao thì uống hoài không say, không chán. Nhưng người không biết uống hoặc chỉ được dăm ba chai thì đó thực sự là thời gian chịu trận mệt mỏi vì trong bàn mọi người. Chưa nói đến việc sau những bữa tiệc, cuộc nhậu thì phần lớn đều ra về trong tình trạng “ngà ngà” cho đến “ngoắc cần câu”.
Đối với nhiều khách mời trong tiệc cưới của đôi bạn trẻ chú rể Lâm Tuấn Anh (25 tuổi) và cô dâu Mỹ Loan (20 tuổi) đây là lần đầu tiên họ đi tiệc cưới không uống rượu bia. Phần lớn mọi người đều cảm thấy bất ngờ xen lẫn hứng thú khi lần đầu tiên đến “tiệc” mà không sử dụng “chất có cồn”. Đặc biệt là cánh chị em phụ nữ, các cô, các dì thì đều hưởng ứng cả 2 tay.
Bạn Vũ Hoàng, ngũ ấp Cây Điệp, xã Tân Phước thấy khá bất ngờ khi trên bàn tiệc, dưới chân bàn chỉ toàn là nước ngọt và nước suối. Hỏi người nhà chú rể thì mới hay là tiệc này “nói không với bia rượu”. Mới đầu nhiều thanh niên, các chú trung niên cảm thấy khá hụt hẫng khi đã thủ sẵn tinh thần “không say, không về”. Nhưng sau khi nhập tiệc thấy cụng ly nước ngọt, nước suối với nhau cũng vui vui. Mà đồ ăn mình ăn cảm thấy ngon miệng, mọi người chuyện trò tỉnh táo, vui vẻ.
Ông Lâm Thương, một người cùng ấp với chú rể khá bất ngờ khi đi dự đám cưới của hàng xóm mà lại không có rượu bia, vì theo ông Thương ở địa phương này cũng như bao nơi khác, đám tiệc là 100% phải có bia, mà không bia thì cũng phải có rượu. “Lúc đầu mình cũng hụt hẫng như mọi người nhưng sau đó thì thấy bình thường, thậm chí vui vẻ và thích thú vì hôm nay không phải ăn nhậu say xỉn, hại đến sức khỏe mà ăn uống rất ngon miệng”, ông Thương c
Theo quan điểm của ông Thương, việc tổ chức đám tiệc mà không có bia, rượu chắc chắn sẽ có người suy nghĩ này kia hay sợ ảnh hưởng tới niềm vui của bữa tiệc. Tuy nhiên cái ảnh hưởng đó ông Thương nghĩ là không nhiều và đặc biệt là những người lớn tuổi như ông thì lại rất thích những đám tiệc như thế này.
Cũng là người từng đi rất nhiều đám tiệc, và chính mình cũng đã từng nhiều lần phải “chịu trận” trong những cuộc vui, tiệc tùng và chứng kiến phần lớn người tham gia tiệc đều điều khiển xe gắn máy. Nên chú rể Lâm Tuấn Anh và cô dâu Mỹ Loan ngụ ấp Năm Đô, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã quyết định sẽ tổ chức đám cưới của mình “nói không với bia rượu”. Thay vào đó chỉ sử dụng các loại nước ngọt giải khát, nước suối. “Lúc đầu cũng có nhiều người không đồng ý, nói ngày trọng đại lớn nhất cuộc đời mà tại sao không đãi bia rượu. Phần vì sợ người này người kia dị nghị chuyện chủ nhà không nhiệt tình đãi khách “đến nơi, đến trốn” phần vì xưa giờ ở đây chẳng ai tổ chức tiệc cưới mà không sử dụng bia hay rượu. Tuy nhiên khi nghe 2 đôi bạn trẻ giải thích về mục đích, mong muốn khách mời đến chung vui trong không khí vui vẻ, thân mật và đặc biệt là đảm bảo mọi người đều tỉnh táo, an toàn cho khách sau khi dự tiệc ra về thì mọi người cũng dần quay sang ủng hộ”, chú rể Tuấn Anh chia sẻ.
Vượt qua truyền thống bao nhiêu năm nay là phải có bia rượu trong đám cưới mới vui nhưng đôi bạn trẻ lại quyết định chọn sự an toàn của mọi người sau khi đến tiệc cưới ra về lên trên hết, tránh những hệ luỵ của rượu bia có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Chúng tôi thấy gia đình chú rể có suy nghĩ rất tích cực và mới mẻ. Đám cưới theo chúng tôi thấy vẫn rất vui vẻ như bình thường, mà không ai trong tình trạng say sỉn nữa. Chắc trong thời gian tới có đám tiệc chúng tôi cũng sẽ áp dụng để hạn chế bớt rượu bia, tránh những hệ lụy nó có thể mang lại cho mọi người”. Một số phụ nữ trong đám tiệc chia sẻ.