Tác giả David Axe viết trên Forbes rằng chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), muốn biến hòn đảo này thành “một con nhím không thể nuốt được”.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan vào ngày 28/5 tuyên bố sẽ mua từ hãng Boeing BA một phiên bản tên lửa chống hạm Harpoon di động, phóng từ bờ.
Trong thời chiến, các khẩu đội Harpoon sẽ nhắm vào các tàu Trung Quốc. Mục tiêu của quân đội, theo phó thủ trưởng cơ quan quốc phòng Đài Loan Trương Triết Bình, là đánh chìm một nửa đội tàu chiến Trung Quốc. Ông Trương nói với các phóng viên rằng, trong các mô phỏng trên máy tính, kho vũ khí hiện tại của Đài Loan gồm các tên lửa chống hạm Hùng Phong II và III sản xuất tại địa phương đã bỏ lọt quá nhiều tàu Trung Quốc.
Các tên lửa cận âm Hùng Phong II có thể tấn công các mục tiêu xa gần 300km. Các siêu âm Hùng Phong III tầm bắn gần 200km. Các phiên bản Harpoon có tầm bắn từ 150-360km.
Nhưng hệ thống Harpoon cơ động hơn, ông Trương nói. Khi các tên lửa được sản xuất tại địa phương bắn ra từ các xe rơ moóc, Harpoon được khai hỏa từ bệ phóng gắn trực tiếp trên một chiếc xe tải tám bánh.
Việc mua tên lửa Harpoon đẩy nhanh quá trình hoàn thiện chiến lược chiến tranh của Đài Loan. Trong nhiều thập kỷ, Đài Loan có thể tin tưởng vào các tàu và máy bay chủ yếu do Mỹ cung cấp để vượt trội các tàu và máy bay Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc, với 1,4 tỷ dân, luôn sở hữu nhiều tiềm năng quân sự hơn Đài Loan với 23 triệu dân. Sau hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế bùng nổ, Bắc Kinh hiện chi gấp 25 lần cho lực lượng vũ trang so với Đài Loan.
Mặc dù Đài Loan gần đây mua thêm các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, ngày nay Trung Quốc có lực lượng quân sự tốt hơn Đài Loan. Đài Bắc không còn có thể tin tưởng vào việc đánh bại hạm đội Trung Quốc ở khoảng cách xa.
Vì thế, Đài Bắc đang đầu tư vào các hệ thống phòng thủ di động như Harpoon. Ngoài ra, họ cũng đang phát triển tên lửa hành trình siêu âm Vân Phong, có thể bắn xa gần 2.000km và tấn công các mục tiêu trên đất liền của Trung Quốc.