Ðại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An: Thật tiếc Chủ tịch Hà Nội không 'chia lửa'!

TP - Tôi cho rằng, tại các phiên chất vấn, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến địa phương nào thì cần mời lãnh đạo địa phương đó đến làm rõ. Hôm chất vấn về xây dựng, quy hoạch, phải đến 50% câu hỏi dành cho Bộ trưởng Xây dựng đều có trách nhiệm quản lý của địa phương.
ÐBQH Trịnh Xuân An

Chẳng hạn câu chất vấn: Dân sửa nhà trong ngõ sâu cơ quan chức năng vẫn biết, cao ốc xây trái phép mặt đường sao không phát hiện ra? Vấn đề đó là của địa phương chứ, Bộ Xây dựng làm sao làm được điều đó. Những việc của địa phương là của địa phương, còn bộ, ngành quản lý đa ngành, phải định ra thể chế, khung pháp chế, những chính sách mang tính vĩ mô. Còn thực hiện cụ thể phải do địa phương. Tất nhiên, ở Trung ương, bộ, ngành phải có sự chia sẻ trên cơ sở phân cấp, nhưng việc nào phải ra việc đó.

Cho nên, việc mời Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tham dự phiên chất vấn như vậy sẽ rất tốt. Tất nhiên họ không phải đối tượng chất vấn theo Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội, nhưng sẽ làm rõ, cung cấp thêm thông tin để Quốc hội đánh giá, nhận định vấn đề một cách khách quan, toàn diện hơn. Tôi cũng thấy tiếc vì phiên chất vấn đầu tiên, ông Trần Sỹ Thanh không “chia lửa” với Bộ trưởng Xây dựng.

Nêu ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, để nâng cao hiệu quả phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia… nên xem xét, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm qua việc này, phải chuẩn bị kỹ hơn, trao đổi kỹ hơn với chính người được mời. Thậm chí, phiên chất vấn về lĩnh vực xây dựng, có thể mời cả Chủ tịch UBND TPHCM, vì cũng có nhiều vấn đề liên quan. Điều quan trọng nhất là phải làm rõ việc triển khai giữa trung ương và địa phương, xem ách tắc ở đâu, giải pháp gì để tháo gỡ…

Về kỹ thuật lập pháp, chuyện này rất đơn giản, nếu thấy vướng chúng ta có thể xem xét, sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, bổ sung quy định này. Qua đó, khi chất vấn có thể mời lãnh đạo địa phương tham gia, báo cáo làm rõ thêm những vấn đề Quốc hội, cử tri rất quan tâm. Như thế sẽ rất linh hoạt, cũng vừa đảm bảo được tính toàn diện, lắng nghe được nhiều đối tượng để hiểu hơn vấn đề. Chúng ta đừng nên quá cứng nhắc và tôi ủng hộ sửa theo phương án này.