Đại biểu 'Quốc hội trẻ em' đề xuất lập phòng tham vấn tâm lý học đường hạn chế bạo lực

TPO - Theo đại biểu "Quốc hội trẻ em" Đặng Minh Hoàng đến từ Quảng Ninh, mỗi trường cần có một “Phòng tham vấn tâm lý học đường” nhằm giải quyết các vấn đề trong tâm lý, sức khỏe của học sinh, nhất là nạn bạo lực học đường. Đến với Phòng tham vấn tâm lý học đường các bạn học sinh sẽ có không gian riêng tư để bộc bạch, sẻ chia cảm xúc, câu chuyện của mình và được giữ bí mật.

Trong khuôn khổ phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, chiều 28/9, 306 đại biểu chia làm 12 tổ thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.

Toàn cảnh tổ thảo luận số 5

Tại tổ thảo luận số 5, các đại biểu cho rằng, bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, để lại không ít hậu quả đau lòng. Do vậy, gia đình phải phải thực sự là tổ ấm và nhà trường là môi trường nơi an toàn nhất, giáo dục cho con em lòng nhân ái, sẻ chia, nói không với bạo lực học đường.

Đại biểu Nguyễn Khánh Vân, lớp 9A2, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1, TPHCM, tổ trưởng tổ thảo luận số 5 điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Trần Bảo Thức, lớp 7A5, Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông) dẫn con số đáng báo động theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ tháng 9/2021 – 11/2023 cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 bạn nữ.

Đại biểu Nguyễn Trần Bảo Thức, lớp 7A5, Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông)

Thực tế, nhiều bạn bị bạo lực nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không dám nói lên tiếng nói của mình khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn. “Gia đình, nhà trường cần tạo môi trường an toàn, gần gũi để con em tự tin, mạnh mẽ không lùi bước trước kẻ bắt nạt và có giải pháp giải quyết xung đột mà không gây xung đột”, Bảo Thức nói.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, đại biểu Đặng Minh Hoàng, lớp 7A3, Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, cuộc sống của một bộ phận gia đình trong thời đại công nghệ trở nên tẻ nhạt khi các thành viên ít tương tác, mỗi người chìm trong thế giới riêng trên mạng xã hội. Các gia đình dần thiếu sự kết nối, chia sẻ và tương tác.

Một số gia đình gặp vấn đề như bố mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm đến con cái hoặc bố mẹ bận rộn công việc, chỉ tập trung vào cung cấp vật chất mà thiếu sự quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ bạo hành, khiến trẻ bị tổn thương tâm lý trở nên tự ti, hung hãn, dẫn đến bạo lực học đường.

Đại biểu Đặng Minh Hoàng, lớp 7A3, Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)

“Gia đình rất quan trọng trong quá trình hình thành tính cách và hành vi của con trẻ, vì vậy, bố mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe chia sẻ của con để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con. Bố mẹ phải thực sự tạo môi trường gia đình vui vẻ, ấm áp, yêu thương, hạnh phúc giúp trẻ cảm thấy an tâm và an toàn trong ngôi nhà của mình sẵn sàng chia sẻ mọi cảm xúc”, Minh Hoàng nói.

Bên cạnh gia đình, theo Minh Hoàng, nhà trường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn bạo lực học đường. Đại biểu đến từ tỉnh Quảng Ninh đề xuất thành lập Tổ hoà giải tại các trường học, với sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và các bạn học sinh. Tổ hoà giải nhằm giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng, thông qua đối thoại cởi mở giúp các phụ huynh lắng nghe, nhìn nhận con mình một cách đúng đắn.

Cùng đó, mỗi trường cần có một “Phòng tham vấn tâm lý học đường” nhằm giải quyết các vấn đề trong tâm lý, sức khỏe của học sinh, nhất là nạn bạo lực học đường. “Đến với Phòng tham vấn tâm lý học đường các bạn học sinh sẽ có không gian riêng tư để bộc bạch, sẻ chia cảm xúc, câu chuyện của mình và được giữ bí mật”, Minh Hoàng nói.

Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (Lớp 8A, Trường THCS Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trao đổi tại phiên thảo luận.

Bàn về giải pháp phòng chống bạo lực học đường, đại biểu Đậu Trần Hàn My, lớp 9D, Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tập trung vào lòng nhân ái, tinh thần hợp tác, kỹ năng giải quyết xung đột và tôn trọng sự khác biệt. Cùng đó, trẻ cần được giáo dục về cảm xúc, học cách kiểm soát bản thân trước các tình huống căng thẳng, tránh việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên nhận thức vai trò của mình không chỉ trong việc giáo dục mà còn hỗ trợ nhà trường trong giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực, đặc biệt quan tâm đến các bạn thiệt thòi.

Hàn My cũng nhấn mạnh yếu tố nhận thức của mỗi học sinh. “Mỗi học sinh phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu rằng, mỗi hành vi dù là nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến họ”, Hàn My nói.