Đại biểu Quốc hội: Nhiều ý kiến đề xuất thành lập thêm các Bộ

TPO - Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, qua thực tế giám sát, có nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo…
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngày 16/3, Ủy ban Pháp luật thẩm tra báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ. Theo báo cáo của Chính phủ, trong nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đất nước vẫn đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện. Năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã đạt và vượt 10 trong tổng số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Đồng thời thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, nhiệm kỳ qua, tình trạng xin điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều. Trong khi đó, nhiều dự án có trong Chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi, xin rút…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần. Vì thế, nếu không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân thì khó khắc phục được tình trạng này trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Đại biểu đề nghị chỉ rõ 14 văn bản quy định chi tiết còn đang nợ, nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cho thấy, nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của bộ các bộ, ngành như giữa Tài chính với Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước…

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tổ chức theo cấp độ nào, mô hình như hiện nay đã thật sự phù hợp hay chưa?

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu cho rằng, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa… Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần bổ sung vào báo cáo trong đó đánh giá hiệu quả bước đầu của việc sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong cả nước, không nên cứng nhắc trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng, hiệu quả của một số công trình, dự án đầu tư công chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm về tính hiệu quả của các dự án đầu tư công thời gian qua để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ cần có phân tích, đánh giá và nêu mục tiêu cụ thể hơn về liên kết vùng. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, chính sách thúc đẩy liên kết vùng nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, do chưa phân công người chịu trách nhiệm điều hành các vùng nên không có sự liên kết chặt chẽ. Vì vậy, nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để tạo sức mạnh, sự liên kết các vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.