Đại biểu Quốc hội lên tiếng việc cán bộ cấp phường, cấp tỉnh vi phạm

TPO - Từ thực tế một số trường hợp cán bộ cấp phường, cấp tỉnh vi phạm trong thời gian qua, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về việc luân chuyển, điều động cán bộ.
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh Như Ý

Sáng 21/7, Quốc hội, thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2022. Phiên làm việc do Thượng tướng Trần Quang Phương, tân Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành. Về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ trình Quốc hội 4 chuyên đề để xem xét, quyết định, gồm: công tác lập quy hoạch; tiết kiệm, chống lãng phí; sáp nhập cấp huyện, xã; và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Là người cho ý kiến đầu tiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP HCM cảm ơn Quốc hội vì đã bỏ khu cách ly tại phòng họp. Theo ông Ngân, trong số 19 đoàn, có 180 đại biểu đến từ các địa phương đang thực hiện giãn cách. Song hầu hết các đại biểu đều đã được tiêm vắc-xin. “Cách bố trí một cung đường, hai điểm đến ở Quốc hội rất hay”, ông Ngân bày tỏ.

Mặc dù vậy, đại biểu đoàn TP. HCM cũng cảm thấy chưa an toàn, vì biến chủng Delta lây rất nhanh so với trước, lây cả qua đường không khí. “Mong các đại biểu Quốc hội chấp hành nghiêm túc, nhất là nguyên tắc “5k”, đảm bảo nghiêm các quy định, cố gắng hi sinh, giảm cái đẹp một chút để đảm bảo sự an toàn phòng dịch”, ông Ngân cho hay.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc tiêm chủng vắc-xin, thực hiện an sinh xã hội rất quan trọng. Từ đó, ông Ngân kiến nghị giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ và 26 nghìn tỷ vừa được triển khai.

Cũng do tác động bởi dịch bệnh, đại biểu TP. HCM cho rằng, cần có kịch bản và quy định mở trong việc bố trí các thành viên trong đoàn giám sát. Qua đó, phải giám sát theo hướng mở, có thể bố trí, phân công thành viên trong đoàn giám sát ngay ở địa phương, đặc biệt ở những nơi có dịch.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đoàn Nam Định thì quan tâm đến vấn đề giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Viện dẫn câu nói “tích tiểu thành đại”, theo ông Dũng, tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ có ích cho bản thân, mà còn cho cả xã hội, giúp đất nước phồn vinh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ chuyên đề giám sát sáp nhập huyện, xã. Ông Dũng dẫn dụ, ở Nam Định có một số xã cũng trong diện sắp xếp. Địa phương làm quyết liệt, nhưng có đơn vị chưa thực hiện thành công, vì có vướng mắc, ví dụ trong việc thống kê dân số chưa có sự đồng thuận từ phía người dân, việc ủng hộ sáp nhập cũng không đạt 50%, hay vấn đề tên gọi sau sắp xếp cũng tạo dư luận, rồi trụ sở dôi dư sau sáp nhập cũng phải tính toán.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần lựa chọn chuyên đề này giám sát, để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục bất cập.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp cũng ủng hộ chuyên đề giám sát sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Bởi theo ông, vấn đề này tác động đến đa số người dân, bộ máy cấp huyện, xã, góp phần tinh giảm bộ máy, biên chế. Chính vì vậy, cần phải tiến hành giám sát chuyên đề này, xem còn những bất cập gì nổi lên để từ đó sửa Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho sát thực, hiệu quả hơn.

Từ thực tế một số vụ việc nổi lên, như trường hợp Phó Chủ tịch một phường của tỉnh Khánh Hoà về câu chuyện “bánh mỳ”, hay trường hợp một lãnh đạo tỉnh Bình Dương vừa qua không được xác nhận tư cách trúng cử với những sai phạm xảy ra từ rất lâu trước đó…đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị giám sát chuyên đề về việc luân chuyển, điều động cán bộ.